Bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu gạo

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, diễn ra ngày 17/10 tại TPHCM do Bộ Công Thương tổ chức.

Hướng tới ổn định sản lượng, tăng giá trị

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2010-2016 gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại: Khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao; sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản thóc, gạo còn nhiều bất cập.

Trước những hạn chế trên, nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo xuất khẩu, vào tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 4,5- 5 triệu tấn vào năm 2020, giá trị bình quân khoảng 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2020-2030, lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn với giá trị thu được khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo, tỷ trọng đến năm 2020 phấn đấu đạt: Gạo trắng cấp thấp và trung bình nhỏ hơn 20%, trắng phẩm cao cấp 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica khoảng 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, phụ phẩm khác là khoảng 5%. Đến năm 2030 tỷ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình chỉ còn khoảng 10%, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm tới 40%, gạo nếp chiếm 25%.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược trên, ông Phan Văn Chinh cho biết, vào tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020.

Tập trung thị trường trọng điểm

Đồng tình với chiến lược phát triển xuất khẩu lúa gạo này, nhiều DN xuất khẩu gạo cho rằng, việc tập trung vào một số chủng loại gạo mang lại giá trị cao trong xuất khẩu, cũng như đáp ứng được nhu cầu các thị trường trọng điểm là điều cần thiết. Thực tế hiện nay chúng ta đang có quá nhiều chủng loại gạo.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần XNK Intemex, một DN lớn trong ngành cho rằng, để triển khai chiến lược phát triển xuất khẩu lúa gạo hiệu quả, chúng ta cũng cần xác định rõ ràng đâu là những thị trường xuất khẩu trọng tâm và tiềm năng, nhu cầu thị trường đó cần những chủng loại gạo gì, quy định về chất lượng sản phẩm ra sao… để có kế hoạch và chiến lược cụ thể cho việc quy hoạch vùng, chọn giống trong quá trình sản xuất.

Ông Nam lấy ví dụ, hiện nay, các nước châu Á và châu Phi là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Riêng Trung Quốc chiếm tới khoảng 40% lượng xuất khẩu. Về gạo trắng cấp thấp tại thị trường này, DN Việt rất khó cạnh tranh về giá với các nước khác. Trong khi đó các loại gạo thơm, nhất là gạo nếp lại được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Do đó, DN cần phải tận dụng được những lợi thế này, cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ trong đối thoại thương mại và các hiệp định thương mại ký kết với Trung Quốc để tăng hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

DN chủ động liên kết xây vùng nguyên liệu

Nhiều DN cho rằng, để nâng cao chất lượng lúa gạo thì việc phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, DN sản xuất, xuất khẩu là điểm mấu chốt quan trọng để nâng chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng được các đơn hàng mà đối tác đặt hàng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình, cho rằng, phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải được thực hiện từ “vùng nguyên liệu lúa”.

Trong những năm gần đây, không ít loại gạo thơm, chất lượng cao của Việt Nam được nhà nhập khẩu tại các thị trường đặt hàng, nhưng nhiều khi các DN Việt Nam không có hàng để đáp ứng. Nguyên nhân là do các DN thiếu “xây dựng vùng nguyên liệu lúa” có quy mô đủ lớn để phục vụ cho các đơn hàng.

Ông Bình cho rằng, các thương nhân Việt Nam không xây dựng vùng nguyên liệu thì dù Nhà nước có chi ra hàng tỷ đồng hỗ trợ để xúc tiến thương mại thì gạo Việt vẫn khó bán và không xây dựng được thương hiệu riêng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc khối kinh doanh, Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện liên kết với người nông dân thực hiện cánh đồng lớn với diện tích hàng năm từ 50.000-60.000 ha.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiều DN xuất khẩu gạo vẫn đang gặp khó khăn khi thực trạng “được mùa mất giá” hay diễn ra. DN phải ký hợp đồng với nông dân từ đầu vụ để đảm bảo cho kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, nhưng khi giá cao, nhiều nông dân tự phá vỡ hợp đồng, không bán cho DN, đã gây khó khăn cho đơn hàng của DN.

Theo ông Dũng, để tăng tính liên kết chặt chẽ cần có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành và các địa phương với nhiều chính sách ưu tiên để các hộ nông dân tham gia vào các HTX. Khi đó, hợp đồng sẽ ký kết giữa DN và HTX, tính pháp lý và ràng buộc sẽ cao hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Bài viết mới