Bất chấp kết quả kinh doanh thăng hoa, nhiều cổ phiếu giảm sâu

Mùa kết quả kinh doanh quý 3 đang đem lại hàng loạt thông tin hữu ích cho nhà đầu tư liên quan đến doanh nghiệp mà họ đầu tư. Nhưng, điều đáng buồn là, dường như những thông tin tốt mà nhà đầu tư nhận được từ nỗ lực kinh doanh của doanh nghiệp đã không phản ánh vào giá cổ phiếu. Thậm chí, phản ánh theo chiều ngược lại.

Điển hình đầu tiên phải kể đến là cổ phiếu KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido. Tập đoàn KIDO công bố kết quả kinh doanh quý III/2017 với doanh thu tăng vọt so với cùng kỳ năm trước sau khi đã hợp nhất kết quả kinh doanh của Dầu Thực vật Tường An (TAC) và Vocarimex (VOC). Với doanh thu thuần đạt 5.075 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, KDC thu về 535 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 489 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, KDC đã vượt 9% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2017.

Không những kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, KDC còn có số dư tiền và tương đương tiền hơn 2.440 tỷ đồng để sẵn sàng cho những cơ hội kinh doanh đến khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cao. Ngoài ra, KDC có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.300 tỷ đồng cùng thặng dư vốn cổ phần gần 3.200 tỷ đồng khiến nhiều người kỳ vọng rằng cổ phiếu KDC sẽ bứt phá mạnh mẽ.

Nhưng, ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư. Khi mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 gõ cửa cũng là khi cổ phiếu KDC lao dốc không phanh. Từ ngưỡng ~43.000 đồng cuối tháng 9, KDC chỉ còn 37.000 đồng hiện tại tương đương giảm ~14% chỉ trong một tháng.

Nhiều nhà đầu tư loay hoay tìm hiểu lý do mà không có. KDC là một trong những cổ phiếu được các công ty chứng khoán lớn cấp margin thường ở mức cao nhất. Việc giảm giá cổ phiếu KDC kéo theo làn sóng liên tục bán mạnh cổ phiếu này do áp lực margin cao. Có nhà đầu tư mở tài khoản HSC than thở: “Khi cổ phiếu KDC giảm, tôi không nỡ bán ra do biết KDC là cổ phiếu tốt. Tôi đã nộp thêm tiền vào tài khoản để không bị công ty chứng khoán bán đồng thời mong muốn mua vào thêm để bình quân giá. Tuy nhiên, tôi đã không thể mua thêm và theo lý giải của nhân viên môi giới thì do KDC đã hết room cho vay tại HSC”.

Hay như nhà đầu tư vào cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng rơi vào tình cảnh tương tự nhà đầu tư vào KDC. Kết quả kinh doanh của QCG có thể nói là thỏa mãn những nhà đầu tư mong muốn những con số “tăng sốc” với 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh là vậy nhưng giá cổ phiếu QCG lại như trêu ngươi những nhà đầu tư đặt niềm tin vào Quốc Cường Gia Lai. Từ mức hơn 18.000 đồng giữa tháng 10, cổ phiếu QCG chỉ còn 14.600 đồng tính đến phiên giao dịch cuối tuần này tương đương mức giảm gần 20% chỉ trong 2 tuần.

Không những cổ phiếu sụt giảm, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu QCG còn đang ngồi trên đống lửa khi mà phiên cuối tuần này, cổ phiếu QCG không những giảm sàn mà lệnh chất bán sàn còn rất nhiều trong khi lượng cầu hấp thụ khá hạn chế. Nếu tình trạng cung chất đống mà cầu rất ít này xảy ra thêm nữa thì thua lỗ của họ là rất nhiều.

Hay như CTCP Vạn Phát Hưng (mã CK: VPH) sau khi báo lãi 6 tháng vỏn vẹn 7 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh cả năm “rất hoành tráng” là lãi 170 tỷ đồng, tưởng chừng có nguy cơ vỡ kế hoạch đã bất ngờ công bố con số lợi nhuận cao ngất ngưởng trong quý 3/2017. Doanh thu thuần quý 3 lên tới 694 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 47,5 tỷ đồng cùng kỳ trong đó chủ yếu là doanh thu từ Block 3, 4 và 6 của dự án La Casa. Cùng với doanh thu cao là con số lợi nhuận thu về 175 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ là “thoát lỗ”.

Với thành tích vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng cổ phiếu VPH sẽ thăng hoa. Tuy nhiên, ngược với trông đợi của nhà đầu tư, cố phiếu VPH giảm hơn 10% trong tuần qua và nếu tính cả tháng 10 vẫn sụt giảm nhẹ.

Kết quả kinh doanh quý 3

Bài viết mới