Năm 2017, nhiều ngân hàng Việt Nam đua nhau báo lãi khủng. Lần đầu tiên Việt Nam có ngân hàng lãi lên tới 5 con số. Đứng đầu danh sách là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) công bố lãi lên tới 11.018 tỉ đồng. Đại diện Vietcombank cho biết năm 2017, quy mô và hiệu quả kinh doanh của Vietcombank đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu về 1 sổ.
Xếp ở vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank; mã CK: CTG). Lợi nhận trước thuế của ngân hàng ước tính đạt 9.206 tỉ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch ĐHĐCĐ.
Sau Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV; mã CK BID) là “ông lớn” thứ ba trong ngành ngân hàng với con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Bất ngờ “vọt lên chiếu trên” trong năm nay chính là NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank; mã CK: VPB). Các kết quả trên khiến mức tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế của VPBank trong năm 2017 đạt gần 65%, tương đương 8.126 tỉ đồng và 6.438 tỉ đồng.
Đóng góp mạnh vào doanh thu của VPBank vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” từ mảng kinh doanh tín dụng tiêu dùng. Doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm gần 80% trong tổng doanh thu của VPBank. Tổng tài sản hợp nhất tính đến ngày 31.12.2017 của VPBank đạt 277.750 tỉ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2016. Với việc niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE và phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào cuối quý III vừa qua, VPBank đã tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lần lượt lên mức 15.706 tỉ đồng và 29.693 tỉ đồng, tức tăng hơn 70% so với năm 2016.
Tạm thời xếp ở vị trí thứ 5 là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank; Mã CK MBB). Trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng MBBank đạt 5.355 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.294 tỉ đồng, tăng 44%. Lợi nhuận của MBBank tăng đột biến nhờ việc thu về 615 tỉ sau khi MBBank bán một phần vốn góp từ Công ty Tài chính TNHH Shinsel (tiền thân là Cty Tài chính TNHH Một thành viên MB) cho Ngân hàng Shinsei Bank, Limited.
Một “ngôi sao đang lên” gây chú ý là Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank; mã CK HDB). HDBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng gấp đôi, từ 1.151 tỉ đồng năm 2016 lên 2.417 tỉ đồng năm 2017. Hiện HDBank đang sở hữu 51% vốn HD Saison, công ty tài chính tiêu dùng có thị phần đứng thứ ba tại Việt Nam với khoảng 3,5 triệu khách hàng.
Theo đại diện của HDBank, trong 5 năm 2017-2021, ngân hàng này dự kiến tập trung vào phát triển khách hàng thông qua Big Data và cung cấp tài trợ chuỗi cung ứng, với lợi thế là những khách hàng lớn, đặc quyền ở khắp các lĩnh vực như Vietjet, Vinamilk, Saigon Coop, CP… mục tiêu của HDBank là gấp 3 số lượng khách hàng, đạt 15 triệu người vào năm 2021; tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37%/năm. Ngày 5.1.2018 vừa qua, hơn 980 triệu cổ phiếu HDB niêm yết tại HoSE với giá chào sàn 33.000 đồng/cổ phiếu, HDBank có vốn hóa gần 32.400 tỉ đồng tức tương đương khoảng 1,43 tỉ USD, và lọt vào top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HoSE.
Đuổi khá sát trong “câu lạc bộ ngân hàng lãi nghìn tỉ” là NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB; mã CK SHB) với lợi nhuận trước thuế là 1.938 tỉ đồng, tăng 66% so với năm 2016 và vượt 11% kế hoạch đề ra. NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank; mã CK: STB) mới đây công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.488 tỉ đồng, gấp 9,5 lần so với năm 2016 và ngân hàng đặt mục tiêu 1.640 tỉ đồng cho năm 2018. Theo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các TCTD.
Năm 2017 đã chứng kiến làn sóng cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh mẽ. Nói về tiềm năng cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2018, ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – nhận định, về những tiềm năng trong chứng khoán thì cổ phiếu của một số định chế ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn lên trong năm tới do đẩy nhanh được xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Basell 2.