Bảo hiểm sẽ không còn là "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng?

TIN MỚI

Hệ lụy sau giai đoạn tăng trưởng nóng

Tại Việt Nam, việc hợp tác bán bảo hiểm qua ngân hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu diễn ra từ hơn 10 năm nay và phát triển rầm rộ nhất là trong 2-3 năm gần đây. Hiện tại, phần lớn các ngân hàng trong nước đều đã có thỏa thuận hợp tác với công ty bảo hiểm để phân phối bảo hiểm qua hệ thống như Vietcombank với FWD, Sacombank với Daiichi, VPBank với AIA, VietinBank với Manulife, ACB với Sunlife,…

Hàng năm, hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) mang về cho các ngân hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng và luôn một trong những là mảng đóng góp nhiều nhất trong doanh thu hoạt động dịch vụ. Do đó, nhiều người đã ví von bảo hiểm là “Gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đơn cử, mảng bảo hiểm mang về cho MB hơn 10.100 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 21,4% so với năm trước và chiếm 71,5% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ (14.243 tỷ đồng). Tại VPBank, thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm năm 2022 đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 và chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng.

Tại VIB, riêng thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 là 1.303 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. Trong khi doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.751 tỷ đồng, chiếm 18% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng.

Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ, sự hợp tác này đã nảy sinh ra nhiều hệ lụy khi nhiều nhân viên ngân hàng đã bỏ qua nguyên tắc tự nguyện, ép khách vay vốn mua bảo hiểm. Nghiêm trọng hơn, một số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại bị nhân viên ngân hàng biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Trước tình trạng này, trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã liên tục phát đi cảnh báo nghiêm cấm nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm. Thậm chí mới đây, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính còn thành lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này. Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bancassurance sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng”

Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết, đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance trong giai đoạn 2020- 2022 khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng

Cụ thể, doanh thu khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (phần lớn phí bancassurance của ngân hàng đến từ mảng này) đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.

Tuy nhiên, VnDirect dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023 do (1) nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm, (2) các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động bán chéo bảo hiểm giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng đà tăng trưởng thu nhập phí bancassurance tiếp tục chậm lại trên nền tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp hơn, hành vi tái phân bổ cơ cấu tài sản cá nhân sang kênh tiết kiệm lãi suất cao và sự bão hòa của thị trường bảo hiểm liên kết đầu tư. Ngoại lệ có thể đến từ một số ngân hàng (LienvietpostBank, HDBank) nhờ ghi nhận phí độc quyền và thu phí bảo hiểm năm đầu khi ký mới các hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm.

Theo VDSC, tỷ trọng sản phẩm liên kết đầu tư cũng cho thấy sự giảm nhiệt trong năm 2022 trong khi đây là mảng đóng góp thu nhập phí nhiều nhất trong ngân hàng. Xu hướng này sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, giảm đà tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng trong năm sau.

Về phía các nhà băng, sau các chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý, hoạt động bán chéo bảo hiểm đang có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt.

Theo chia sẻ của nhiều nhân viên ngân hàng, trước đây, các banker thường tập trung vào chỉ tiêu bán bảo hiểm, vì phí hoa hồng hấp dẫn và được tính KPI cao. Tuy nhiên, hoạt động bancassurance gần đây đã trở nên khó khăn hơn do tâm lý e ngại của khách hàng cùng với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Điều này buộc các ngân hàng đã buộc phải đẩy mạnh các sản phẩm khác như thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp, thẻ tín dụng.

“Việc bán bảo hiểm hiện tại khó khăn hơn trước. Nguồn thu của ngân hàng và thu nhập của nhân viên đều bị ảnh hưởng. Chi nhánh mình buộc phải chuyển sang đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng và tài khoản số đẹp để đảm bảo nguồn thu”, anh Hùng – nhân viên tín dụng tại một ngân hàng cổ phần chia sẻ.

Theo ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Nhân sự Chủ chốt KeyPerson, khó khăn trong việc bán chéo các sản phẩm tại ngân hàng đã bộc lộ từ khoảng quý III/2022, khi các vụ việc không tích cực liên quan đến hoạt động tư vấn trái phiếu, bảo hiểm tại ngân hàng liên tục xuất hiện.

“Khi việc bán chéo các sản phẩm từ các đơn vị khác trở nên khó khăn hơn, ngân hàng sẽ quay về với các dịch vụ ‘cây nhà lá vườn’ như thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp,… để tối ưu hóa thu nhập ngoài lãi”, ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cũng cho rằng các nhân viên ngân hàng cần tập trung tìm hiểu các sản phẩm phi tín dụng này nhiều hơn để thực sự hiểu rõ và có những tư vấn chính xác nhất cho khách hàng, tránh tình trạng “ép”, vì việc này không mang lại lợi ích lâu dài và mang lại nhiều hệ lụy.

Có nên so sánh mua bảo hiểm nhân thọ với gửi tiết kiệm ngân hàng?

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới