Thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang ngày càng nở rộ với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các sản phẩm ngày càng phong phú.
Không chỉ là quyền lợi bảo hiểm được nhận khi chẳng may người được bảo hiểm gặp điều không may mắn liên quan đến sức khoẻ, tính mạng, mà các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay đều cam kết đưa ra mức lợi nhuận cho người mua bảo hiểm, với mức lãi suất hàng năm gần như tương đương với lãi suất gửi ngân hàng ở kỳ hạn ngắn. Chính đặc điểm này đã giúp bảo hiểm dần trở thành kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn, bên cạnh các kênh đầu tư như tiền gửi ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…hiện nay.
Nhưng có một điều không ít người băn khoăn, đó là các doanh nghiệp bảo hiểm khi thu được phí bảo hiểm về thì sử dụng nguồn tiền ấy như thế nào để sinh lời trang trải hết các chi phí, chi trả bảo hiểm và sinh lời. Hơn nữa, vốn không có chức năng hoạt động cho vay rộng rãi như các ngân hàng hay công ty tài chính, thì các doanh nghiệp này lấy nguồn ở đâu để cam kết các mức lãi suất ưu đãi cho người mua?
Chia sẻ với chúng tôi dịp gần đây, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, các công ty này đang không chỉ đơn thuần là kinh doanh bảo hiểm, mà họ còn kinh doanh tái bảo hiểm, tức là nhận và nhượng tái bảo hiểm đối với các sản phẩm nhân thọ. Ngoài ra, họ còn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác, cho vay, gửi tiền ngân hàng và kinh doanh bất động sản.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sẽ được mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế. Còn với các trái phiếu không có bảo lãnh hoặc góp vốn vào doanh nghiệp thì chỉ được đầu tư tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm. Riêng với kinh doanh bất động sản, cho vay tối đa 40% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
Trong một báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới đây, trong năm 2017 các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam dành tới 85% số tiền nhàn rỗi để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và gửi ngân hàng.
Cụ thể, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tỷ trọng danh mục đầu tư, trong đó riêng lĩnh vực nhân thọ ước đạt 132.963 tỷ đồng (chiếm 62,3% tỷ trọng đầu tư toàn thị trường nhân thọ), lĩnh vực phi nhân thọ khoảng 10% vào trái phiếu các loại. Tiền gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất chiếm tỷ trọng đầu tư khoảng 25%.
Còn lại, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp khác chiếm tỷ trọng 8%, các tài sản đầu tư còn lại như cho vay, kinh doanh bất động sản, ủy thác đầu tư và hoạt động khác chiếm tỷ trọng không đáng kể 5%.
Và thông qua các hoạt động kinh doanh này, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có nguồn tiền để trang trải chi phí và chi trả cho khách hàng và để ra lợi nhuận. Tuy nhiên do cạnh tranh còn mạnh mẽ và hoạt động bảo hiểm hiểm rất tốn chi phí trong thời gian đầu nên các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hoặc triển khai các giao dịch liên kết đầu tư quy mô lớn sẽ ghi nhận lỗ nặng trong thời gian đầu. Chẳng hạn như năm 2017 vừa qua các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn có liên kết với ngân hàng như Prudential, Dai-ichi Life, Manulife đều ghi nhận lỗ nặng, hay các công ty mới vào thị trường như BIDV MetLife vẫn ghi nhận lỗ suốt từ năm 2014 tới nay. Trong khi đó các “ông lớn” trong ngành với thời gian dài hoạt động và ổn định thì lại có lãi rất lớn chẳng hạn Bảo Việt – với hơn 20% thị phần- vẫn ghi nhận cả nghìn tỷ đồng.