Gia tăng “hưu non”
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2016, chỉ riêng TP. Hà Nội đã có gần 49.000 người hưởng BHXH một lần với số tiền chi trả hơn 943 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2017, đã có gần 10.000 người hưởng BHXH một lần với số tiền hơn 328 tỷ đồng. Trong khi đó, con số cùng kỳ năm ngoái là 5.800 người. Tính trên toàn quốc, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động. Từ năm 2013 đến năm 2016, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người lĩnh BHXH một lần. Trong đó, năm 2016, có 665.000 người và dự kiến năm 2017 là 690.000 người. Hiện số người nhận BHXH một lần tương đương số người tham gia mới vào hệ thống.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, số lượng người tham gia BHXH tăng lên thời gian qua không nhiều và thiếu bền vững. Do khó khăn của nền kinh tế, một số lượng lao động tham gia BHXH phải rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận chế độ BHXH một lần. Trung bình mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 người nhận BHXH một lần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lao động khi về già không có lương hưu đang tăng lên. Đây là tình trạng đáng báo động, là mối nguy của an sinh xã hội.
Anh Hồ Đắc Thái, 40 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, anh đã tham gia đóng BHXH được gần 20 năm. Hiện anh đang chuẩn bị nghỉ việc do công ty làm ăn khó khăn nên cắt giảm lao động. Anh cũng cho biết thêm, sau khi nghỉ việc anh sẽ làm thủ tục để xin lĩnh BHXH một lần, bởi ở tuổi của anh tìm được một công việc để đóng tiếp được BHXH là điều vô cùng khó khăn, bên cạnh đó anh cũng xác định sẽ về quê đi làm các công việc ngắn ngày để tiếp tục nuôi gia đình. Khi được hỏi sao không tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu và chế độ BHYT khi về già, anh Thái cho biết, ngay khi nhận quyết định nghỉ việc anh đã hỏi công ty có cho mình đóng thêm không nhưng công ty bắt phải lấy sổ luôn. “Tôi cũng không biết tiếp tục đóng như thế nào, ở đâu, nên chấp nhận lĩnh một lần luôn”, anh Thái cho biết.
Cùng cảnh ngộ với anh Thái là chị Nguyễn Thị Tân (Thạch Thất, Hà Nội), chị Tân cho biết, dù đã đóng BHXH được 14 năm nhưng sau khi bị sa thải chị vẫn quyết định làm thủ tục lĩnh BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống. Với số tiền nhận được khi lĩnh BHXH, chị sẽ để làm vốn làm ăn hoặc nghề khác để sinh sống.
Gánh nặng cho an sinh xã hội
Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, BHXH là một trong các chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Nếu người lao động không lưu ý tham gia BHXH, nguy cơ sẽ gặp những khó khăn khi về già cũng như tạo thêm gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng tới tình trạng an sinh xã hội nói chung và cuộc sống người lao động nói riêng do chế độ bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và khoảng 300.000 đồng/người/tháng. Vì vậy, người lao động cần hết sức cẩn trọng trước khi quyết định nhận BHXH một lần bởi việc nhận lương hưu sẽ có lợi hơn cho người lao động nhất là khi về già, sức lao động không còn. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xúc tiến xây dựng chính sách mới về BHXH, tiền lương và người có công. Dự kiến đầu năm 2018, Bộ sẽ trình dự thảo.
Theo BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Khi nghỉ việc hoặc mất việc làm, họ thường không đóng tiếp mà xin nhận BHXH một lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này trong đó có việc nhiều doanh nghiệp tìm cách “thải loại” công nhân nhiều tuổi để tránh đóng BHXH. Trong khi đó, nhiều thay đổi trong chính sách BHXH thắt chặt quyền lợi của người lao động như: Tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu…. cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động chọn hưởng BHXH một lần.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, việc sa thải công nhân trên 35 tuổi của doanh nghiệp là để tuyển lao động trẻ hơn, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí. Và khi các doanh nghiệp cho lao động trên 35 tuổi nghỉ việc đều có sự đàm phán và trả khoản trợ cấp cao hơn của BHXH. Điều này dẫn tới việc BHXH phải chi trả cho người lao động một khoản tiền trợ cấp theo quy định của pháp luật, đồng thời gia tăng lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp, gây nhiều áp lực, đẩy BHXH vào thế khó.
Hiện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang khảo sát cụ thể tại các KCX-KCN về việc sa thải lao động ngoài 35 tuổi, từ đó đưa ra thể chế phù hợp nhất để hạn chế tình trạng này, đảm bảo không sai với công ước quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát tại 64 doanh nghiệp thời gian qua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nhiều lao động chỉ làm việc tại doanh nghiệp từ 6-7 năm rồi nghỉ. Độ tuổi của các lao động tại thời điểm nghỉ việc thường từ 31-32 và rất ít người làm đến năm 35 tuổi. Đối tượng này chủ yếu là người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, gia công chế biến, không yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, có thể nhanh chóng đào tạo. Có nơi tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các KCN bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc, với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ vì không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Tình trạng sa thải lao động độ tuổi ngoài 35, trong đó phần lớn là nữ, đang là một vấn đề đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ dẫn đến mất ổn định trong hệ thống an sinh xã hội.