Bánh nướng, bánh dẻo là những món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết trung thu. Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, đây không phải thực phẩm bổ dưỡng hay tốt cho sức khỏe. Những đối tượng sau đây nên cân nhắc trước khi sử dụng thực phẩm này:
Người thừa cân, dễ bị béo phì
Những chiếc bánh trung thu được làm từ đường, bột và những nguyên liệu rất giàu năng lượng, chất béo. Những người càng béo lại càng có xu hướng thích ăn bánh trung thu. Nếu ăn quá nhiều, lượng đường trong máu tăng cao, dẫn tới rối loạn dung nạp glucose, tiểu đường, thừa cân và béo phì.
Với những người thừa cân, nên giới hạn lượng bánh được ăn và cân đối khẩu phần ăn trong ngày với mức năng lượng do bánh cung cấp. Đặc biệt, nên tăng cường ăn rau xanh, hoạt động thể chất để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Người bị dị ứng nổi mụn
Bánh trung thu có độ ngọt cao nên không có lợi cho những người có cơ địa viêm da dị ứng, dễ nổi mụn trứng cá và các bệnh về da. Nạp quá nhiều đường vào có thể có thể làm tăng bài tiết tuyến bã nhờn, khiến tình trạng dị ứng, nổi mụn nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ có thai nên hạn chế ăn bánh trung thu và các loại thực phẩm nhiều đường trong thai kỳ. Lượng đường quá cao sẽ tác động xấu đến lipid máu, tim mạch và có thể dẫn tới hiện tượng tiểu đường trong thai kỳ và ảnh hưởng đến thai nhi.
Người bị bệnh về dạ dày, tim mạch, thận
Những người mắc bệnh dạ dày, cao huyết áp, viêm túi mật, sỏi mật, bệnh nhân tim mạch… không nên ăn bánh trung thu và cả các loại bánh ngọt, hạt giàu năng lương. Bởi chúng có thể làm tăng gánh nặng cho thận, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tìm.
Đối với người bị bệnh dạ dày, ăn bánh trung thu có thể thúc đẩy bài tiết axit dạ dày khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, việc chữa trị ngày càng khó khăn.
Thời điểm cận Tết trung thu, rất nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo được bày bán. Người tiêu dùng cần lựa chọn cẩn thận các loại bánh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.