Bán vốn DNNN: Tiền ngoại đang ngấp nghé

Sức hút từ những ông lớn IPO

Năm ngoái, hai thương vụ bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất của Việt Nam là bán 33,3% vốn Nhà nước tại Vinamilk với giá đấu bình quân 186.000 đồng đưa tổng giá trị thu về lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Lớn thứ hai là thương vụ bán 4,8 tỷ USD cổ phần Sabeco với sức hấp dẫn không thể phủ nhận của cổ phiếu bia đã khiến tỷ phú Thái không ngần ngại móc hầu bao trả thẳng.

Vào ngày 18/1/2018 vừa qua, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty Lọc Dầu Dung Quất (BSR) đã mở hàng cho thị trường bán vốn và thành công vượt mong đợi. Theo đó, nhà nước đã thu về số tiền cao hơn 60% so với dự kiến với giá trúng bình quân lên đến 23.043 đồng, cao hơn 57,8% so với mức giá khởi điểm 14.600 đồng. Đưa tổng giá trị thu về sau phiên đấu giá lên tới 5.566 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi con số dự kiến.

Thông tin từ buổi đấu giá cho hay: có tới hơn 4.000 nhà đầu tư tham gia đấu giá với khối lượng gần 652 triệu cổ phiếu, gấp 2,7 lần lượng chào bán. Trong đó, 3.958 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 248 triệu cổ phiếu (cp); 7 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài muốn mua 38.100 cp; 48 tổ chức đăng ký mua hơn 65 triệu cp và 67 nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 338,6 triệu cp. Số lượng nhà đầu tư tham gia cũng như lượng đặt mua cổ phiếu cho thấy sức hút của BSR và khả năng mã cổ phiếu này sẽ tiếp tục thu hút mạnh được sự quan tâm của nhà đầu tư sau khi lên sàn Upcom trong thời gian ngắn tới đây, theo quy định hiện hành.

Theo các công ty chứng khoán, hiện thị trường tiếp tục chào đón 2 đợt IPO khủng của 2 doanh nghiệp PVOil và PVPower, lần lượt diễn ra vào các ngày 25/1 và 31/1 tới đây và dự báo phiên đấu khả năng hấp dẫn không kém gì của Lọc dầu Dung Quất.

Thông tin từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa cho hay: năm 2018, Chính phủ dự định bán cổ phần DNNN gấp 6,5 lần so với năm 2017. Trước đó, trong năm 2017, Chính phủ đã thu về 135,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, từ bán cổ phần. Như vậy nếu kế hoạch của Chính phủ được thực hiện, đồng nghĩa với một lượng cung cổ phiếu rất lớn sẽ được đưa ra thị trường trong năm 2018 với giá trị gần 40 tỷ USD.

Nhận định về con số thoái vốn mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập, nhóm phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: đây là một tham vọng không nhỏ và sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới diễn biến của TTCK khi nguồn cung tăng vọt. “Tuy vậy, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài là một ẩn số và có thể sẽ hỗ trợ đáng kể cho nguồn cầu. Nhìn tổng thể chung, chúng tôi đánh giá dòng tiền sẽ có sự chọn lọc và chủ yếu tìm đến những DNNN đầu ngành có nền tảng hoạt động và triển vọng kinh doanh tốt”, BVSC viết.

Vốn ngoại ngấp nghé

Vốn ngoại đến từ đâu? Năm 2017, thị trường đã chứng kiến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ kỷ lục vào TTCK Việt Nam. Thống kê từ Ủy ban chứng khoán, năm 2017, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,9 tỷ USD – tăng 90% so với cuối năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên tất cả các sàn giao dịch với giá trị tổng cộng là 46.700 tỷ đồng. Trong tháng 1/2018 này, họ mua ròng đạt 7.200 tỷ đồng. Cùng đó, số tài khoản của nhà đầu tư trong năm đạt 1,92 triệu tài khoản, tăng 12% so với cuối năm trước. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 16%, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức tăng 14%. “Điều này cho thấy sức hút và sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài với TTCK Việt Nam và hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh”, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch UBCKNN khẳng định.

Thông tin cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện vẫn có một lượng ngoại tệ lớn tiếp tục đổ vào. Cụ thể: nếu ngày 12/1/2018, Ngân hàng Nhà nước công bố dự trữ ngoại hối đã lên tới kỷ lục 53 tỷ USD thì chỉ 10 ngày sau đó, con số này đã vọt lên trên 54,5 tỷ USD. “Một lượng lớn trong đó được dẫn vào kênh chứng khoán”, một đại diện NHNN thừa nhận. Trong một thống kê khác, giới phân tích còn chỉ ra: ngoài dòng vốn đến từ các quỹ đầu tư lớn như Nhật và nhiều nước khác, sự tăng trưởng đến gần 50% của VN-Index còn có đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

“Việc IPO và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng. Những doanh nghiệp lớn có lợi thế cạnh tranh đặc biệt đương nhiên sẽ hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ ít lợi thế cạnh tranh”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc phân tích SSI khẳng định. Theo ông Linh, tiến độ thoái vốn, IPO diễn ra nhanh tuy nhiên, dòng vốn trong nước và nước ngoài vẫn còn rất lớn, chỉ cần có cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tốt, dòng tiền mới sẽ tự động xuất hiện.

Còn ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam thì lạc quan: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn gián tiếp vẫn sẽ vào nhiều và Việt Nam đang có lợi thế, tháp dân số vàng đòi hỏi cần tận dụng 10 năm… “Cơ hội thu hút vốn vào để phát triển kinh tế là lớn. Tôi cho rằng, không sợ vốn nước ngoài hay trong nước mà quan trọng là sử dụng ra sao”, ông Tân nói.

Mới đây đại diện Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết trong tháng này, Tổng công ty sẽ trình việc thoái vốn năm 2018 trên cơ sở Quyết định 1001 của Thủ tướng. Về cơ bản những DNNN đã chuẩn bị xong trong năm 2017 như: Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Domesco sẽ thực hiện. “Những DN này sẽ được tính toán đầy đủ giá trị của DN như: đất, sở hữu trí tuệ, thương hiệu” đại diện SCIC nói.

Cố phần hóa DNNN: Không hạn chế lượng cổ phần nhà đầu tư trong nước mua

Bài viết mới