Câu chuyện về “thương hiệu quốc gia”
“Thương hiệu quốc gia” là những thương hiệu trở thành niềm tự hào của một quốc gia và được cả thế giới biết đến. Ví dụ, khi nói đến Mỹ người ta nghĩ đến ngành công nghiệp sáng tạo với những tên tuổi lớn như Microsoft, IBM hay Apple; nhắc đến Đức là liên tưởng tới ngành công nghiệp ô tô với BMW hay Mercedes.
Nếu vậy thì ở Việt Nam khó có thể tìm được một thương hiệu nào xứng đáng được gọi là “thương hiệu quốc gia”. Sức ảnh hưởng của các công ty lớn như Vinamilk hay Sabeco mới chỉ dừng lại ở tầm nội địa.
Nhưng cũng có thể hiểu “thương hiệu quốc gia” là thương hiệu nổi tiếng ngay trong một đất nước. Đó có thể không phải là cái tên được thế giới biết đến rộng rãi nhưng phải gắn liền với niềm tự hào của một đất nước, là sản phẩm được người dân yêu thích. Sabeco có vẻ đáp ứng tiêu chí này. Bia Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho ngành công nghiệp sản xuất bia của Việt Nam.
Đồ họa: Hương Xuân
Dù hiểu theo cách nào thì “thương hiệu quốc gia” có nhất thiết phải là một doanh nghiệp mà Nhà nước giữ tỉ lệ cổ phần khống chế hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Microsoft, Facebook hay BMW hiển nhiên là những tập đoàn tư nhân. Tất nhiên, với những ngành công nghiệp chủ lực của một quốc gia thì Nhà nước luôn có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Nhưng chính sách ưu đãi và nắm quyền sở hữu là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Tư duy giữ thương hiệu quốc gia chủ yếu tồn tại ở các nước châu Á và đã lỗi thời. Thương hiệu thật sự chỉ tồn tại trong tâm trí khách hàng. Nó được tạo nên bởi chất lượng sản phẩm và giá trị cảm xúc mà sản phẩm đem lại cho người dùng. Người ta thích bia Sài Gòn vì hương vị và tinh thần “Bia Sài Gòn – niềm tự hào của Việt Nam” như slogan với hãng. Có lẽ không mấy ai trong bàn nhậu quan tâm xem Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, người Việt hay người Thái làm chủ, ít nhất cho đến khi thương vụ Sabeco bị thâu tóm tràn đầy các mặt báo.
Thương hiệu có sức sống riêng của nó. Trong trường hợp Sabeco, với chiến lược marketing và chất lượng hiện tại, Bia Sài Gòn sẽ vẫn là bia của người Việt, một thương hiệu đứng đầu trong ngành bia, dù đứng đằng sau nó là tỷ phú Charoen hay Nhà nước. Thậm chí, cổ phần hóa còn mang đến cơ hội để cái tên Sabeco được biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Cổ phần hóa, các bên đều được lợi
Thu được 110.000 tỷ VND (tương đương 4,8 tỷ USD), ngân sách Nhà nước hiển nhiên được hưởng lợi. Ngân sách cũng có lời nhờ thuế doanh nghiệp tăng cao khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tư nhân hóa DNNN đồng thời giúp xoá bỏ được những cái “bắt tay” của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn, thương vụ này là một minh chứng cho quyết tâm cải cách DNNN của Chính phủ. Nhận xét về thương vụ bán hơn 50% cổ phần của Sabeco cho tỷ phú Thái Lan, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: “Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài”.
Đồ họa: Hương Xuân. Ảnh: Kiên Trần.
Bên cạnh đó, việc lợi nhuận doanh nghiệp gắn với lợi ích tư nhân sẽ tạo ra động lực tăng sức cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm hay nâng cao hiệu quả quản lý tài chính. Nguồn vốn mới đổ vào cùng những chiến lược kinh doanh mới được kì vọng sẽ giúp Sabeco gặt hái thêm nhiều thành công trong nước và thậm chí ở tầm quốc tế.
Ông Võ Trí Thành nói thêm: “Bên cạnh bán nhiều tiền, quan trọng số một là thay đổi trong tư duy của chúng ta về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường. Tư nhân làm tốt hơn thì để họ làm, để tài sản của Sabeco được sử dụng hiệu quả hơn”.
Sau cùng, khi sân chơi cạnh tranh tạo ra một nền kinh tế thị trường đa dạng thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chia sẻ: “Không phủ nhận Sabeco làm tốt việc cạnh tranh, nhưng phải nói thêm, đó là cạnh tranh “độc quyền tương đối”. Nghĩa là Nhà nước đã dựng “hàng rào kỹ thuật và thuế tiêu thụ đặc biệt” để các hãng bia nước ngoài không thể vào Việt Nam bán bia giá rẻ và cạnh tranh trực tiếp với Sabeco”.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng cho biết: “Trong thị trường khu vực cũng có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong nước sau một thời kỳ bị thâu tóm đã phát triển vượt bậc và có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Vấn đề là chúng ta cần dũng cảm vượt qua mọi thách thức, luôn lạc quan với nền kinh tế tiêu dùng đang phát triển tại Việt Nam và có tầm nhìn khu vực và toàn cầu”.