Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (thường được biết đến với tên gọi Tập đoàn Khaisilk). Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may cho thấy không có thành phần lụa như công bố trên nhãn mác khiến nhiều người bất ngờ.
Khăn lụa “không phần trăm lụa”
Theo đó, kết quả giám định cho thấy 7/10 mẫu có kết quả kiểm tra khác với các thông tin công bố về thành phần. Cụ thể, có 6 sản phẩm được công bố là “100% silk” nhưng thực tế là “100% polyester” hoặc có “vải nền là polyamide” và “hoa văn là polyester/rayon”. Có một sản phẩm được công bố là “100 pashmina” nhưng thực tế là “49,9% rayon, 35,3% acrylic và 14,8% là wool”.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Thành phần tạo nên sản phẩm Khaisilk không có lụa, chứ không phải có lụa đến từ Trung Quốc”.
Bộ Công Thương còn cho biết trong giai đoạn 2006 – 2009, Khaisilk nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2009 đến ngày 15-10-2017, công ty không còn thực hiện những hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, Khaisilk không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Chủ yếu Khaisilk mua các thành phẩm từ những cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong 3 nhãn hàng hóa “Khaisilk”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Đặc biệt, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Người tiêu dùng sẽ được bồi thường
Theo nhiều chuyên gia, buôn bán hàng giả là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho khách hàng với giá của hàng thật. Trong vụ việc này, có thể thấy có dấu hiệu của hành vi bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính. Về hàng hóa giả trong trường hợp này đã được Bộ Công thương xác định là giả chất lượng, đây là nguồn chứng cứ rất cụ thể, rõ ràng để các cơ quan pháp luật vào cuộc.
Hành vi của Khaisilk xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của nhà nước đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cần được cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ hơn nữa để có quyết định cuối cùng. Nếu bị quy kết trách nhiệm hình sự, thì ông chủ thương hiệu này sẽ phải đối mặt với chế tài rất hà khắc của pháp luật, đồng thời đây sẽ trở thành vụ án điển hình trong công cuộc bảo vệ người tiêu dùng.
“Nếu cơ quan công an có kết luận bằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và được Viện kiểm sát có quyết định truy tố vụ án ra tòa, thì như vậy vụ việc chính thức trở thành một vụ án hình sự. Theo đó quyền lợi của những người mua phải sản phẩm của Khaisilk có thể được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án này nếu họ có đơn yêu cầu bồi thường”, Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết.
“Cây kim” Khaisilk là điển hình chứ không là duy nhất
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng câu chuyện bán “lụa nilon” không phải là câu chuyện riêng của Khaisilk, mà còn đó rất nhiều “Khaisilk chưa bị lộ”, hoặc đã bị lộ mà chưa được xử lý rốt ráo. Nói nôm na những vụ việc “treo đầu dê bán thịt chó” trên thị trường đã xuất hiện ở nhiều mặt hàng, dịch vụ. Nào là những vụ việc phân bón giả, nào là đánh tráo máy bơm Trung Quốc thành máy bơm Nhật…
Riêng trong ngành thời trang, như cách nói của chuyên gia Vũ Vinh Phú- nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội “Vụ việc của Khaisilk nhưng không chỉ là của Khaisilk, không là trường hợp cá biệt, chúng ta cần làm rõ, kiểm tra cả phố bán lụa để một lần làm trong sạch vấn đề, trả lại thương hiệu thật cho lụa Việt Nam”.
Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Quốc Vinh- Chủ tịch Tập đoàn Le Bros, chuyên gia thương hiệu từng nhận định, với thực trạng của ngành tơ lụa Việt, nếu doanh nghiệp phụ thuộc vào sản xuất trong nước sẽ là thất bại. “Không riêng Khaisilk, nhiều thương hiệu tương tự trong ngành cũng không còn nhiều sản phẩm thuần Việt. Có chăng là chất liệu Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đưa về Việt Nam, sau đó chế biến thêm vài chi tiết thêu tay”, ông Vinh nói.
Chính vì vậy, có thể nói rằng, Khaisilk chỉ là một vụ việc điển hình trong thực trạng sản xuất, kinh doanh chung của nước ta hiện nay.