Khi về già, chúng ta sẽ phải trải qua những chứng bệnh “theo tuổi” mà gần như không có cách nào tránh khỏi. Một trong số đó chính là chứng “mất trí nhớ” – dementia, thể hiện qua việc các “bô lão” trở nên lú lẫn, nhớ nhớ quên quên bất chợt.
Hiện tại, khoa học đang làm mọi cách để người già không còn phải chịu đựng chứng bệnh này nữa, vì nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ và cả những người xung quanh. Và theo như một nghiên cứu mới đây, có một cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro lú lẫn. Chỉ cần mỗi đêm… mơ thật nhiều là được.
Mơ mộng thật nhiều, và tỉ lệ mắc bệnh sẽ thấp hơn
Đây là một nghiên cứu kéo dài 12 năm của các chuyên gia Mỹ. Họ đã khám phá ra rằng những người thường xuyên mơ mộng khi đêm xuống có tỉ lệ rủi ro mắc phải chứng mất trí nhớ thấp hơn hẳn.
Cụ thể hơn, nhóm chuyên gia từ Khoa Y trường ĐH Boston cho rằng thời lượng giai đoạn mắt chuyển động nhanh – REM (thời điểm con người bắt đầu mơ) – có ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro mắc các chứng bệnh về thần kinh.
Theo đó, nếu giai đoạn REM giảm đi 1% thời lượng, rủi ro mắc chứng mất trí sẽ tăng lên tới 9%.
Nhóm đã nghiên cứu giấc ngủ của 321 ứng viên ở độ tuổi trên 60 trong vòng 12 năm, qua đó xác định rủi ro hình thành căn bệnh mất trí.
“Mỗi giai đoạn khác nhau của giấc ngủ lại có ảnh hưởng riêng biệt đến các chứng bệnh về thần kinh” – trích lời tiến sĩ Matthew Pase, chủ nhiệm nghiên cứu. “Nghiên cứu của chúng tôi thì cho thấy việc mơ ít có ảnh hưởng rất nhiều đến chứng mất trí sau này.”
Trên thực tế, chứng mất trí vốn đã được liên hệ với chứng mất ngủ, nhưng khoa học chưa từng lý giải được điều đó.
Ngoài ra thì trước kia, chính Pase và các đồng nghiệp đã từng chứng minh rằng việc ngủ quá nhiều cũng có thể làm tăng nguy mắc chứng mất trí. Cụ thể hơn, những người ngủ trên 9h/đêm gánh chịu nguy cơ lớn gấp đôi so với người ngủ ít.
Nhìn chung, nghiên cứu này chứng tỏ rằng bạn nên ngủ cho đủ giấc, vì ngủ đủ thì tỉ lệ mơ mộng của bạn càng cao, và từ đó rủi ro mắc bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.
Nguồn: Telegraph