Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao thành tựu Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã đạt được trong 15 năm hoạt động trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, công tác dân tộc tôn giáo, củng cố hệ thống chính trị, xoá đói – giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Đồng chí Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có đóng góp rất lớn cho vùng trong tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp nhận cho kết thúc hoạt động do yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc kết thúc hoạt động không có nghĩa các chức năng, nhiệm vụ các Ban Chỉ đạo sẽ chấm dứt mà những chức năng, nhiệm vụ này sẽ được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện khi sứ mệnh các ban kết thúc thành công.
Về công tác tổ chức cán bộ, khi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kết thúc sứ mệnh hoạt động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hiện Ban Bí thư Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đang chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo có định hướng sắp xếp cán bộ, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để sắp xếp lại cán bộ. Về tài sản, nhà cửa… của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ do Văn phòng Chính phủ cùng với Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành có hướng xử lý.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Sơn Minh Thắng có trách nhiệm giải quyết các công việc còn tồn đọng của Ban Chỉ đạo trước khi nhận nhiệm vụ mới do Bộ Chính trị phân công.
Qua 15 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xác định khâu đột phá để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long về giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới khó khăn phát triển sản xuất, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân…
Song song đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất Thủ tướng ban hành nhiều chính sách; cơ chế đặc thù mang tính đột phá trong các lĩnh vực được xác định là “điểm nghẽn” của vùng như liên kết vùng trong phát triển kinh tế – xã hội; kết nối đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, dạy nghề, y tế… Đồng thời, kiểm tra, kiến nghị cơ quan có thầm quyền tháo gỡ khó khăn, ách tắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng tới cả vùng như: Các dự án đầu tư xây dựng đảo Phú Quốc, cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương…
Nhờ vậy, kinh tế vùng có sự chuyển biến rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch và phát triển đúng hướng với quy mô, chất lượng hiệu quả ngày càng cao. Theo đó, tốc độ tăng trưởng toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 8,55%; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển tích cực; đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo được cải thiện, hộ nghèo trong vùng giảm đáng kể với bình quân giảm 2%/năm….
Năm 2017, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định; sản xuất nông nghiệp đạt, vượt so kế hoạch; công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển khá; y tế, giáo dục tiếp tục được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát…
Xem link bài gốc tại đây