Theo truyền thống, ba tôi thường dắt hai anh trai và tôi đi mua sắm mỗi năm một lần vào tuần lễ Giáng sinh. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những món đồ theo tiêu chí của ông là “món quà chất lượng”. Chúng tôi có thể chọn bất cứ thứ gì mà chúng tôi muốn miễn là có thể giải thích một cách chính xác cách mà chúng tôi sẽ sử dụng nó trong vòng ít nhất là năm sau. Như cha tôi nói: “Bất cứ thứ gì… miễn là nó là tiện dụng”.
Truyền thống tặng quà của bố đã dạy tôi đầu tư vào những thứ có giá trị. Bây giờ, bất cứ khi nào tôi mua sắm, thay vì cố gắng “tiết kiệm tiền” bằng cách mua một món hàng giá rẻ, tôi sẽ bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một thứ có thể sử dụng lâu hơn và tiết kiệm cho tôi trong một thời gian dài. Hiện tại, tôi cũng đã thay đổi nhiều trong cách mua sắm với suy nghĩ: mua nhiều hơn những thứ tôi cần và mua ít lại những thứ tôi muốn.
Điều này không có nghĩa rằng tôi không bao giờ phung phí tiền bạc vào “mong muốn”. Ví dụ, tôi đã bỏ ra hơn 500 USD để chạy marathon quanh thành phố New York và phải trả 450 USD một năm cho thẻ tín dụng du lịch. Miễn là tôi có cân nhắc các ưu và khuyết điểm trước khi chi tiêu và đảm bảo rằng tôi đang chi tiêu vào những điều thực sự quan trọng với bản thân.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cách bạn chi tiêu quan trọng hơn tổng số tiền bạn mà bạn chi tiêu. Khi bạn chi nhiều tiền hơn cho đồ xịn, bạn không những tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền cho tương lai mà những trải nghiệm nó mang lại còn rất tuyệt vời. Mua đồ đắt tiền để tiết kiệm hơn đồ rẻ tiền, một bài học có vẻ bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lý.