“Chúng mày theo tao, tao đã từng thắng giải này mỗi năm, chúng mình sẽ xây một nhà lầu năm góc. Sẽ đẹp lắm tụi mày ơi, tụi mình sẽ thắng đứt. Các anh lớn khỏe thì ra múc nước đem vào tưới cát mịn, các em nhỏ hơn sẽ chia ra từng tốp, mỗi top xây một mảnh tường. Cứ để tao bảo tụi mày làm, chúng mình sẽ thắng giải…”, một cậu bé 11 tuổi nhanh chóng hô hào ngay sao tiếng còi khai cuộc thi đấu.
Đây là một cuộc thi đua xây thành trì bằng cát trên bãi biển giữa các đội trẻ con cùng đi trại hè. Trại hè này vốn dành cho con của những người nhập cư nghèo vào Pháp những năm 1964-1966. Luật lệ của cuộc thi thật đơn giản. Mỗi đội có 30 phút để lấy cát trên bãi biển xây bất cứ hình thù nào, miễn sao tác phẩm là một thành trì hay một tòa nhà. Tất nhiên, dù xây bằng cát, tòa nhà cũng phải chắc chắn đủ để cát không bay theo gió, hoặc tường không tan đỏ dưới nước thủy triều vào bờ.
Cậu bé 11 tuổi nhỏ bé nhanh chón đứng lên chỉ huy những đứa cao hơn nó 2 đầu, và lớn hơn nó 4,5 tuổi. Nó chẳng hỏi ai, cứ khơi khơi ra lệnh. Nào là nó chọn chỗ thuận lợi trên bãi cát rộng, không quá gần nước đế sóng ở xa không còn đủ lực để vào phá công trình, nhưng cũng không xa quá để các bạn bưng nước không phải khệ nệ đi đường quá dài trước khi nước tới nơi để tưới những mảnh tường bằng cát. Thằng bé thủ lĩnh cũng không cho ai chọn hình thù thiết kế. Nó quyết định hộ luôn cả đội rằng công trình sẽ là một lầu năm góc! Nó còn chứng minh là hình năm góc ít ai nghĩ tới và sẽ được coi như một thiết kế có nhiều óc sáng tạo.
Tên của cậu bé là Jean Benhamou, cha mẹ nó là người Do Thái định cư trước đây tại Algeria. Gia cảnh của những đứa trẻ có bố mẹ nhập cư không thuộc loại bình thường nếu không muốn nói là rất nhiều vấn đề. Những đứa trẻ này đứa thì bạo lực và tất nhiên không sợ bạo lực, đứa thì lại buồn tủi hay khóc; đứa thì có tật ăn cắp đồ của bạn, thứ ăn cắp này ở ngay trong cá tính chứ không do sự thiếu thốn; đứa lại có trí tưởng tượng phong phú, ban ngày thì kể viển vông leo lẻo, ban đêm thì ngủ mê và phần lớn là ác mộng.
Một điều kỳ lạ là khi tham gia cuộc đua này, Ben trông khác hẳn bình thường. Nó không còn là đứa mất dạy bảo không nghe nữa. Nó không còn có mắt nhìn như thù đời mà ngược lại có vẻ trong sáng vui vẻ của một ông tướng binh tí hon. Cha nó vào lúc đó đang ở tù và mẹ nó thì không ai biết làm nghề gì, chỉ gửi tiền về để cơ quan chăm sóc con.
Và đúng như lời cam kết, đội của Ben giành giải nhất. Câu chuyện của Ben nhiều năm sau vẫn còn vương vấn trong trí nhớ của giáo sư Phan Văn Trường. Sau này một người đồng nghiệp lão thành của ôngđã giải mã về tài năng lãnh đạo bẩm sinh của Ben:
– Chưa bắt đầu cuộc chơi nó đã giật luôn cờ của đội bằng cách nêu lên thành tích rằng nó đã từng thắng nhiều giải tương tự. Không những thế nó còn đưa luôn giải pháp lầu năm góc là dự án thiết kế của đội.
– Lầu năm góc phải được hiểu đây là do thằng bé Ben có một sức sáng tạo phi thường. Chưa vào cuộc nó đã tưởng tượng ra một mô hình có khả năng thắng giải! Không biết nó có ý tưởng này từ đâu và từ bao lâu. Những thằng lãnh đạo bẩm sinh luôn luôn nuôi nấng sẵn nhiều ý tưởng trong đầu. Tạm gọi thế là có tầm! Đến khi cần phải chứng tỏ khả năng thì tụi nó như đã sắp sẵn cả rồi…
– Ben lại biết phân công công việc trong đội. Mấy thằng to xác thì nó chỉ cho khuân vác. Mấy thằng bé con thì bị cài đặt vào việc nâng niu hột cát để hình thù thành trì được thẳng thắn nõn nà. Không thấy thằng bé nào lên tiếng phản đối. Cả đội chỉ nghe và chỉ tuân thủ. Có lẽ trong giờ phút khẩn cấp đua tranh không một thằng nào dám phả ứng.
“Thú thật tôi không biết thực sự có ai học được chuyên làm lãnh đạo chăng. Trong đời tôi đã có cơ hội gặp nhiều nguyên thủ thế giới lãnh đạo một quốc gia, một tập đoàn, một hội. Trong số những người này đã có biết bao người chỉ là “thợ lãnh đạo”, giáo sư Phan Văn Trường so sánh với Ben.
Những người này có học tập, có chuẩn bị, họ cũng biết điều động quân lính, nhưng cách lãnh đạo của họ ì ạch như người khuân vác, quyền thế của họ đều do văn bản cống hiến chứ không phải quyền thế tự nhiên xuất phát từ con người của họ.
* Bài viết tham khảo nội dung từ cuốn sách Một đời quản trị- GS Phan Văn Trường.