Bãi bỏ “giấy phép” trái quy luật thị trường

Bãi bỏ quy hoạch sản phẩm là hành lang pháp lý quan trọng để bãi bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về ý nghĩa của việc sửa 11 luật liên quan đến luật quy hoạch.

Cùng với các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch cũng đã được công bố trong ngày 28/6.

Tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2017), sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2019 tới đây đã thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công.

Luật Quy hoạch cũng nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành; đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đa ngành quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương.

Đáng chú ý, luật này hướng tới thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thông qua việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại.

Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả, ông Hiếu nhấn mạnh.

11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch được Quốc hội sửa đổi để tránh tạo khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các loại quy hoạch.

Theo đó thì luật này đã bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Theo Thứ trưởng Hiếu thì bản chất các quy hoạch sản phẩm này chỉ là các điều kiện kinh doanh.

Nội dung chủ yếu của việc sửa 11 luật là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm (như quy hoạch công nghiệp hóa chất, dược, quy hoạch kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng…) đang tồn tại.

“Đây là hành lang pháp lý quan trọng để bãi bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Việc này là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai minh bạch, thông thoáng và hiệu quả, ông Hiếu nói.

Thứ trưởng Hiếu cũng cho biết thêm là hiện Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát tổng thể các luật khác có quy định về quy hoạch (khoảng 40 luật) để trình Chính phủ xem xét thông qua tại phiên họp Chính phủ tháng 7 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay theo thủ tục rút gọn.

Tránh lạm dụng quyền lực cản trở cạnh tranh

Nêu một số điểm đáng chú ý về Luật Cạnh tranh được công bố cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin, luật này quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Luật Cạnh tranh tiếp tục quy định đồng thời có sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Theo luật, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện một số hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Quy định này rất cần thiết bởi quyền lực nhà nước được trao, cơ quan nhà nước có khả năng lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan nhà nước là chủ thể đặc thù của luật nên có quy định riêng để điều chỉnh.

Vẫn theo Thứ trưởng Khánh thì luật đã hoàn thiện các quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế…

Một con heo sạch “cõng” chi phí giấy phép gấp 1,5 lần vốn​

Bài viết mới