Cụ thể, tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 60 năm 2014 quy định về hoạt động in theo hướng quy định rõ danh mục đối tượng chịu sự điều chỉnh, theo đó không áp dụng đối với hoạt động in bao bì, bề mặt sản phẩm.
“Bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, như quy định hạn chế hợp tác giữa các cơ sở in; cấp phép nhập khẩu các máy móc gia công sau in; quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in; cấp phép đối với các hợp đồng in từ nước ngoài…”, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Những bước lùi trong Nghị định 60
Hiệp hội In Việt Nam cho biết đã đeo đuổi việc kiến nghị về Nghị định này suốt từ tháng 11/2014, ngay khi Nghị định có hiệu lực, với những văn bản dài, phân tích chi tiết tác động của những quy định mà họ gọi là “hàng đinh” dưới tấm thảm đỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp in đối với Nghị định 60 là doanh nghiệp phải xin cấp phép nhập khẩu đối với tất cả các loại máy móc thiết bị in, phụ tùng, trục in, khuôn in, bản in.. Đây là một bước lùi vì Nghị định 105 năm 2007 mà Nghị định 60 thay thế quy định việc nhập khẩu thiết bị ngành in không phải xin phép, chỉ trừ máy photocopy màu.
VCCI cho rằng việc áp đặt về giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị in là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi việc áp đặt này không rõ về mục tiêu quản lý nhà nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin phép cho từng lần xuất khẩu. Theo thống kê, các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị in phải mất ít nhất là hơn 14 ngày để hoàn tất thủ tục được cấp phép.
Và trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, không bị trả về bổ sung – mà với quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ khá mơ hồ, thiếu rõ ràng như trong Nghị định 60 thì việc các cán bộ thực hiện thủ tục hành chính phải “có quyền giải thích” quy định là rất lớn.
Theo VCCI, có 4 nội dung lớn mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị về Nghị định 60. Đó là hình thức quản lý đối với hoạt động in chặt chẽ quá mức cần thiết; một số quy định có tính chất can thiệp hành chính vào yếu tố thị trường; một số quy có tính chất gia tăng thủ tục hành chính một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp; và hình thức quản lý đối với cơ sở dịch vụ photocopy quá mức cần thiết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dòng, quy định người đứng đầu cở sở in phải “có trình độ cao đẳng trở lên chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in” đã khiến các doanh nghiệp bức xúc, lên tiếng suốt 2 năm qua.
“Kể từ khi Nghị định 60 có hiệu lực, việc thực thi điều kiện này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cứ tính mỗi người đi học nộp 5 triệu đồng một khóa vài ngày, thì cứ nhân lên 3.000 cơ sở in thì thấy chi phí phải bỏ ra lớn thế nào. Điều đáng nói là kiến thức của lớp học chỉ là phổ biến lại Luật Xuất bản, không có kiến thức gì đáng kể, nhưng những người chủ cơ sở in vẫn phải bỏ thời gian để tham gia”, ông Dòng phân tích.
Quy định cơ sở in “không hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm do mình nhận hợp tác” cũng được đánh giá là can thiệp một cách bất hợp lý vào hoạt động của doanh nghiệp.
Trái Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp?
Cũng theo các doanh nghiệp, so với Nghị định 105 trước đó, Nghị định 60 bổ sung rất nhiều thủ tục hành chính mới và phần lớn các thủ tục này là ít ý nghĩa, gây khó khăn cho doanh nghiệp và là “cơ hội” cho tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền từ phía các cán bộ thực hiện thủ tục.
Chẳng hạn, một số cơ sở in phải phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in. Thủ tục này “tưởng như đơn giản ” nhưng lại rất dễ “biến tướng” thành thủ tục cấp phép.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 60. Theo VCCI, so với Nghị định 60, dự thảo đã có nhiều sửa đổi theo hướng tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Đặc biệt là dự thảo vẫn giữ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được sử dụng để kinh doanh dưới mọi hình thức.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì quy định cấm sử dụng máy photocopy màu vào hoạt động kinh doanh là chưa thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2014. Cụ thể, Điều 6 Luật Đầu tư 2014 quy định 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm, trong đó không có hoạt động sử dụng máy photocopy màu.
“Một vấn đề cần đặt ra, tại sao lại kiểm soát quá chặt chẽ việc sử dụng máy photocopy màu, thậm chí là còn hơn cả thiết bị in, trong khi đây là loại máy móc được sử dụng thông thường trong suốt thời gian qua và chưa nhận được phản ánh nào về những bất cập, gây tổn hại đến những lợi ích công cộng nào từ việc sử dụng loại máy này, để buộc phải siết chặt quy định”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận định.
Cũng trong dự thảo mới, Bộ vẫn giữ quy định chỉ một số đối tượng được phép nhập khẩu thiết bị in như cơ sở in hay doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiết bị in. Điều này, theo VCCI, là chưa phù hợp tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 bởi theo luật này thì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh nữa, với tinh thần là“doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Thực tế, trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực (1/11/2014), ngành in là ngành công nghiệp hỗ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, ngành in ấn không chỉ riêng doanh nghiệp in sách báo, ấn phẩm, mà bao gồm cả những doanh nghiệp in quảng cáo, nhãn hàng, bao bì… do đó đối tượng doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi Nghị định 60 khá rộng.
Do đó, việc sớm xóa bỏ những rào cản, giấy phép bất hợp lý trong Nghị định 60 là vô cùng cần thiết.