Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành liên quan về những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp.
Vấn đề khiến các đại biểu tốn nhiều thời gian nhất và không khí đối thoại nhiều lúc trở nên gay gắt là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định 38 năm 2012 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm.
Cuộc họp chiều 8/9 có sự tham dự của 9 hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số phòng thương mại và chuyên gia về thực phẩm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Nói nhiều năm, Bộ chưa tiếp thu
Theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau nhiều lần được nhiều cơ quan, đơn vị kiến nghị, qua nhiều năm, Bộ Y tế vẫn không tiếp thu về vấn đề này.
VASEP khẳng định Luật An toàn thực phẩm đã quy định doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đăng ký công bố hợp quy về an toàn thực phẩm mà không phải xin xác nhận công bố của cơ quan nhà nước. Việc cấp xác nhận công bố phù hợp không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố, nhưng lại dễ bị lạm dụng biến thành cấp phép, dẫn đến xin-cho trên thực tế.
Theo VASEP, Bộ Y tế đã đưa ra những lý do không thuyết phục để trì hoãn bãi bỏ thủ tục này. Cụ thể, Bộ Y tế cho rằng phải giữ thủ tục công bố xác nhận công bố vì nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Thế nhưng, thủ tục xác nhận này chỉ áp dụng cho sản phẩm bao gói sẵn, không áp dụng cho thực phẩm tươi sống.
Bộ Y tế cũng đưa ra số liệu hơn 4.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm mỗi năm để cho rằng xác nhận công bố là cần thiết. Nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy 98% vụ ngộ độc là do bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, chứ không phải do thực phẩm bao gói sẵn.
Hơn nữa, cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của doanh nghiệp nộp, kết quả kiểm nghiệm dựa trên mẫu kiểm nghiệm do doanh nghiệp tự lấy, nghĩa là Bộ hoàn toàn chỉ quản lý trên giấy. Nói cách khác, việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, trên thực tế, thủ tục này đã biến thành một loại “giấy phép con” gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép.
Điều này tiêu tốn của doanh nghiệp 5,4 triệu ngày làm việc và hàng ngàn tỷ đồng chi phí mỗi năm. Khảo sát của CIEM cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình doanh nghiệp mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.
“Cà phê bột thì chúng tôi lấy chất xơ ở đâu”
Doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục này trong thực tế. Theo số liệu trên chính hệ thống cấp giấy xác nhận của Cục An toàn thực phẩm, thường xuyên có trên 10.000 hồ sơ cần bổ sung thông tin. Doanh nghiệp thường bị yêu cầu bổ sung nhiều lần bởi 4 cấp (nhân viên, phó phòng, trưởng phòng, lãnh đạo Cục).
Đặc biệt, rất nhiều yêu cầu bổ sung là ngoài luật, không có trong bất kỳ một văn bản nào và không liên quan tới an toàn thực phẩm, thậm chí phi lý. Chẳng hạn yêu cầu cà phê bột phải bổ sung kiểm nghiệm chất xơ. “Cà phê bột thì chúng tôi lấy chất xơ ở đâu ra?”, bà Lê Ngọc Hân, luật sư đại diện cho AmCham, bức xúc.
Hoặc cũng sản phẩm cà phê bột phải đáp ứng chỉ tiêu chì dưới 2ppm (yêu cầu khắt khe hơn cả châu Âu là dưới 10ppm). Thậm chí là yêu cầu chỉnh sửa hàm lượng cafein cho phù hợp, nhưng cũng không nói rõ bao nhiêu là phù hợp và không doanh nghiệp cũng không biết thế nào là phù hợp.
Hay với sản phẩm chả lụa cá, năm 2013 trên hồ sơ chỉ ghi là hương thịt, nhưng tới năm 2016 thì hồ sơ bị trả lại với yêu cầu phải ghi rõ hương thịt gì (gà, lợn, bò…).
Thế nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc nhất.
“Chúng tôi nộp hồ sơ ngày 13/1 năm nay và sau 6 tháng với 5 lần bổ sung hồ sơ, chúng tôi nhận được giấy xác nhận, trong đó ghi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm mà doanh nghiệp đã công bố. Sau 6 tháng chúng tôi đau khổ làm hồ sơ, chúng tôi vẫn phải tự chịu trách nhiệm, vậy Bộ quản lý ở chỗ nào? Trong khi đó bảo đảm sức khoẻ, lợi ích cho người tiêu dùng chính là uy tín của doanh nghiệp không chỉ trên giấy tờ mà là trong thực tế”, luật sư Lê Ngọc Hân đặt câu hỏi.
Cam kết của Bộ
Cuối cùng, tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó, thay vì phải xin xác nhận công bố như hiện nay, doanh nghiệp chỉ gửi văn bản công bố phù hợp lên Cục An toàn thực phẩm theo hệ thống điện tử và sau 1 tuần cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp được triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên đối với một số nhóm thực phẩm có nguy cơ cao về sức khoẻ con người như sữa, thực phẩm công thức dinh dưỡng cho trẻ em, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm… cần có cơ chế kiểm soát phù hợp”, Thứ trưởng Cường cho biết.
Như vậy, phần lớn các loại thực phẩm (trừ một số nhóm nguy cơ cao) sẽ không phải trải qua thủ tục xin xác nhận công bố của cơ quan Nhà nước. Hướng xử lý này được các doanh nghiệp tại buổi đối thoại hoan nghênh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp và Bộ Y tế sẽ tiếp tục thảo luận về những mặt hàng cụ thể nào sẽ được xếp vào nhóm nguy cơ cao.