Bà Thái Hương tha thiết đề nghị Bộ Nông nghiệp có cơ chế để đầu tư mạnh vào lĩnh vực này!

Về tình hình nông nghiệp năm nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường phấn khởi khi cho biết GDP của nông – lâm – thuỷ sản trong năm 2017 đã tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm trước đó. Và nếu không bị ảnh hưởng bởi thiên tai, con số này có khả năng tăng trên 3%.

Cũng trong năm 2017, nông nghiệp Việt Nam đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản mạnh nhất từ trước đến nay, đạt 36,37%, tăng 17% so với cùng kỳ trước đó. Thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD…

Là một đại diện doanh nghiệp tham dự Hội nghị hôm nay, bà Thái Hương, TGĐ Ngân hàng Bắc Á cho biết: “Chưa năm nào nông nghiệp vui vẻ và rôm rả như năm nay”, bà Thái Hương nhận xét. Cách đây ít lâu, bà Thái Hương cũng đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Tuy nhiên, bà vẫn dành nhiều sự quan tâm đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo bà, nông nghiệp công nghệ cao được xem là chìa khoá vàng để thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp Việt Nam. Nhưng để “chìa khoá” phát huy tác dụng cần phải có hai yếu tố.

Thứ nhất, bà Thái Hương đề xuất cần phải có một bộ tiêu chuẩn về nông sản theo thông lệ quốc tế. Đây chính là cơ sở để nông sản Việt có chỗ đứng và cạnh tranh được với nông sản ngoại, thuận tiện cho việc xuất khẩu.

Thứ hai, bà Hương nói rằng bài toán vốn vay luôn là mối bận tâm hàng đầu của doanh nghiệp cho dù hệ thống ngân hàng đã vào cuộc. “Vay vốn tuy không khó nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, do đó tôi sẽ có đề án trình lên Chính phủ cho những ngân hàng như Bắc Á vào cuộc để làm thế nào khơi thông được tài chính cho nông nghiệp”.

Cụ thể hơn, TGĐ Bắc Á Bank kiến nghị được tư vấn tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thảo dược. Khi nói về vấn đề này, bà Thái Hương đã bày tỏ “tha thiết” được làm và mong có cơ chế đặc thù để tư vấn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thảo dược. Đồng thời, bà cũng cho biết sẽ đưa cổ đông vào những doanh nghiệp làm thảo dược để chứng minh “người tư vấn thì cũng vào cuộc”.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…). Việc nuôi trồng dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp (như lúa, ngô, sắn…).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vượt chỉ tiêu

Bài viết mới