Mất hết quyền lợi tại Trung Nguyên
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào năm 2015, Tập đoàn Trung Nguyên đã đơn phương bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn của bà. Đến năm 2017, Toà án đã xét xử cho bà Thảo được trở lại vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn của mình. Thế nhưng, bà Thảo cho biết, bà luôn bị người lạ ngăn cản, không cho bước chân vào trụ sở của chính công ty của mình trong khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ chồng bà không vào công ty mà ở trên núi M’dark.
Bà Thảo nêu một nghịch lý, là dù có nắm giữ chức vụ hay không, hiện 2 vợ chồng bà vẫn đang là người đồng sở hữu 93% cổ phần tại TNG một cách hợp pháp. Nói cách khác, bà Thảo và ông Vũ là cổ đông lớn nhất tại TNG.
Thế nhưng, nhóm người hiện đang điều hành công ty, lại hoàn toàn phớt lờ đi việc này. Bằng chứng là đã hơn 3 năm, các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, lời – lỗ – doanh thu, bà Thảo đều không nhận được báo cáo. Bà Thảo khẳng định, dù đã nhiều lần gửi công văn, tìm cách đối thoại trực tiếp, gián tiếp… nhưng chưa bao giờ bà nhận được các báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo về tình hình tài chính của TNG. Ngoài ra, suốt 3 năm qua bà cũng không nhận được cổ tức của công ty.
Tuy không vào được công ty của mình, nhưng thông tin đóng Bảo hiểm xã hội cá nhân của bà Thảo vẫn đang được đóng tại TNG. Bà Thảo đặt câu hỏi, toàn bộ số tiền mà đáng lẽ bà được nhận hằng tháng đã về túi ai?
“Mặt khác, tổ vận hành TNG đang che mắt mọi hoạt động tài chính, khống chế không để cho Tòa án thực thi quyền pháp luật của mình để thực hiện việc kiểm toán. Họ qua mặt tất cả tạo phe cánh để dể bề thao túng quyền lực và trục lợi cá nhân”, bà Thảo nói.
Trung Nguyên đang bị thao túng?
Theo bà Thảo, trong rất nhiều hoạt động của TNG, nhóm người điều hành công ty đã thực hiện việc vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hoàn toàn không thông qua ý kiến, không có chữ ký của các thành viên thuộc Hội đồng quản trị. Việc thao túng Trung Nguyên đã diễn ra trong một thời gian quá dài, dẫn đến thiệt hại khổng lồ cho một thương hiệu quốc gia.
Bà Thảo kể lại, tháng 6/2015, Nguyễn Văn Đông (giám đốc nhân sự) còn thuê một nhóm người cầm hung khí (xã hội đen) tới nhà máy của Trung Nguyên ở Bình Dương để đe dọa công nhân. Nhóm này đẩy hết số công nhân đang có mặt tại nhà máy ra giữa sân, hăm dọa hành hung, buộc họ phải trao trả nhà máy lại cho nhóm người này ngay trong đêm. Hôm sau lập tức di dời các máy móc quan trọng của nhà máy đi nơi khác.
Đứng trước nguy cơ Trung Nguyên bị phá hoại, hoạt động kinh doanh quốc tế bị đình trệ và hàng nghìn công nhân không có việc làm, bà Thảo đã tìm cách bảo vệ thương hiệu quốc gia và gia đình mình bằng việc cầm giữ nhà máy Bắc Giang để không làm mất khách hàng quốc tế.
“Thế nhưng những thế lực chống phá lại tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để qua mặt các cơ quan Hải quan, viện Sở hữu trí tuệ và Cục quản lý thị trường để cho rằng sản phẩm cà phê G7 đang sản xuất ở nhà máy Bắc Giang là giả mạo và tự do “cướp ban ngày” các thị trường quốc tế của tôi bằng cách ngăn chặn không cho xuất khẩu, hải quan giam giữ hàng tá containers hàng của tôi ở các của khẩu hải quản và thực hiện hành vi giảm giá tối đa để cướp thị trường quốc tế. Nhóm người này còn tổ chức đi phá hoại hệ thống phân phối cả TNG và công ty tôi cụ thể như giảm hàng loạt nhân viên bán hàng và cho người vào hăm dọa và phá các khách hàng của tôi”, bà Thảo nói.
Trước đó, bà Thảo đã cho biết, Trung Nguyên hiện đang bị thao túng bởi 4 người, đều là các lãnh đạo của Trung Nguyên, gồm bà Phạm Thị Điệp Giang (Giám đốc khối Phổ truyền và Sáng tạo – Đào tạo), bà Huỳnh Vạng Cẩm Tú (Giám đốc Tài chính), ông Trịnh Ty (Chủ tịch công đoàn , Giám đốc R&D) và ông Nguyễn Văn Đông (Giám đốc nhân sự, Trưởng ban nội chính). Đây cũng là 4 người đã đâm đơn khởi kiện bà Thảo ra tòa án.