“Việt Nam đã sẵn sàng”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM Chair) Bùi Thanh Sơn khi trao đổi với VnEconomy về công tác chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm của Việt Nam.
Đến thời điểm này, ông có thể nói gì về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng từ phía chủ nhà Việt Nam?
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 mà trong đó Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế là sự kiện trọng tâm. Xác định việc đăng cai APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017 nói chung và công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao của Việt Nam đã được khởi động từ rất sớm và kỹ lưỡng với việc thành lập Nhóm Công tác liên ngành năm 2014 và Ủy ban Quốc gia về APEC 2017 năm 2015. Các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt, quán triệt phương châm chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang “kỹ lưỡng, trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, an ninh”.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, cơ quan,và tỉnh, thành phố liên quan đếu đang nỗ lực để hoàn thành với trách nhiệm cao nhất nhiệm vụ được giao, ráo riết đôn đốc tiến độ triển khai theo từng tuần, từng ngày. 6 Hội nghị quan chức cao cấp và 6 hoạt động cấp Bộ trưởng đã được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cho đến nay được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao cả về công tác tổ chức đến nội dung.
Về nội dung, Việt Nam nhận được sử ủng hộ rất lớn của các thành viên đối với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và các ưu tiên của năm APEC 2017. Qua các hội nghị, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực hài hòa lợi ích, tìm mẫu số chung cho những khác biệt, cùng thúc đẩy hợp tác APEC nhằm giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn; giữ vững cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với các nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau.
Những kết quả đạt được tại các hội nghị trong các lĩnh vực: phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, thương mại điện tử qua biên giới, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo … sẽ là cơ sở và tiền đề cho các nội dung thảo luận của các Bộ trưởng và các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới.
Đà Nẵng vinh dự là thành phố đầu tiên ngoài thủ đô Hà Nội được lựa chọn tổ chức một sự kiện cấp cao như Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 tới đây. Công tác chuẩn bị về cở sở vật chất, hậu cần, lễ tân, an ninh, y tế, thông tin-tuyên truyền, văn hóa-nghệ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, lực lượng tình nguyện viên đang được các tiểu ban và thành phố triển khai hết sức quyết liệt. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng vào cuộc rất khẩn trương và tích cực. Không khí Tuần lễ Cấp cao APEC đang ngập tràn Đà Nẵng với các công trình xây dựng vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, đường phố được chỉnh trang, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đang được hoàn tất…
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, cả bộ máy, hệ thống chính trị và người dân đã vào cuộc và Việt Nam đã sẵn sàng để đón các lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC và hơn 10.000 đại biểu về tham dự sự kiện đối ngoại trọng tâm của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng này.
Đã có bao nhiêu nhà Lãnh đạo kinh tế APEC khẳng định tham dự rồi, thưa ông?
Hầu hết Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết tham dự. Còn lại một số thành viên chưa khẳng định do một số vấn đề trong nước. Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các thành viên để bảo đảm đón chu đáo và trọng thị nhất các Lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Điều khó khăn nhất trong công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao của chủ nhà là gì?
Tình hình thế giới và khu vực năm nay đang chuyển biến rất nhanh và phức tạp, đặt ra những thách thức có thể nói là rất lớn đối với Diễn đàn và bản thân Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Năm APEC nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nói riêng.
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc hơn song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về khu vực APEC của chúng ta, năm nay dự báo có mức tăng trưởng cao so với toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại chưa đạt được mức trước khủng hoảng. Tốc độ liên kết, kết nối kinh tế toàn cầu đang chậm lại; xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Đây là thách thức không nhỏ khi mục tiêu hàng đầu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế vì lợi ích chung của các nền kinh tế trong khu vực.
Thứ hai, đây đó trên thế giới những lo ngại ngày càng tăng về tác động của toàn cầu hóa và thương mại đặt ra vấn đề tăng cường hợp tác APEC nhằm đảm bảo tính bền vững và bao trùm của tiến trình tăng trưởng toàn cầu và liên kết kinh tế quốc tế. Thứ ba, vấn đề biến đổi khí hậu, già hóa dân số, năng suất lao động thấp cũng đang tạo thêm những lực cản cho tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng của khu vực phụ thuộc vào việc xử lý hiệu quả nhóm thách thức này.
Cùng với đó, tuy nguồn lực hạn hẹp, Việt Nam vẫn phải bảo đảm chuẩn bị chu toàn về cơ sở vật chất, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, báo chí…, làm sao để đón tiếp các đại biểu một cách chu đáo, trọng thị nhất, nhưng vẫn tiết kiệm và tạo được những dấu ấn riêng của Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam năng động, hiện đại, đổi mới và hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, chúng tôi coi những khó khăn trên đây không phải là những cản trở, mà là động lực thúc đẩy gia tăng hợp tác vì phát triển và thịnh vượng chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Điều chủ nhà Việt Nam mong muốn ở các thành viên APEC cùng nỗ lực hợp tác cho Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới là gì?
Là Diễn đàn đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại thế giới, APEC có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như sức mạnh và sự thịnh vượng của mỗi thành viên. Trong một môi trường an ninh và phát triển với nhiều thách thức như hiện nay, thông điệp xuyên suốt mà Việt Nam muốn cùng các thành viên chuyển tải đến cộng đồng quốc tế qua Tuần lễ Cấp cao APEC lần này là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là chủ đề bao trùm năm APEC 2017, phản ánh quan tâm chung cùa các nền kinh tế thành viên APEC tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế.
Với các chương trình, sáng kiến được triển khai từ đầu năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực; làm sâu rộng liên kết kinh tế khu vực; nâng cao năng lực và sáng tạo của các doanh nghiệp; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, APEC sẽ chuyển tải thông điệp mạnh mẽ là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, ngày càng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực.
Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn các thành viên cùng chia sẻ tầm nhìn, cũng như cùng chung tay xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả người dân.