Châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian vừa qua có rất nhiều thay đổi mạnh mẽ về chính trị an ninh, xã hội, kinh tế và thương mại. Ở nhiều quốc gia trong khu vực và thành viên của APEC cũng tương tự như vậy.
Ông Trump vốn coi trọng các diễn đàn song phương hơn đa phương, muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa Mỹ và các đối tác hơn là tăng cường sự tham gia và cam kết của Mỹ vào các khuôn khổ diễn đàn đa phương trên thế giới. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và vì thế rất quan trọng đối với APEC.
Vì thế, sứ mệnh của hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng là vừa duy trì được đà phát triển hiện có và tạo bước phát triển mới đồng thời vừa thuyết phục chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân tổng thống Trump tiếp nối cam kết và sự tham gia lâu nay của Mỹ đối với APEC.
Bối cảnh tình hình chung như thế ở khu vực là thách thức với APEC, nhưng cũng chính vì thế mà APEC càng cần thiết đối với khu vực và càng phải tăng cường vai trò, mở rộng ảnh hưởng, phát huy tác động quan trọng và tích cực của khuôn khổ diễn đàn duy nhất hiện có cho cả khu vực.
Trong tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình để hội nghị cấp cao thành công và để APEC có được bước chuyển biến mới về chất. Tuy nhiên, thành công của hội nghị còn tỷ lệ thuận với mức độ tham gia xây dựng và tích cực của tất cả các thành viên khác.
Tuần lễ Cấp cao APEC (6-11/11) có ý nghĩa và tác động quan trọng đối với khu vực và thế giới nhờ những chuyện bị coi là “phụ”, tức những hoạt động song phương và đa phương khác bên lề chương trình chính thức
Hội nghị cấp cao của lãnh đạo APEC tạo điều kiện vô cùng thích hợp để các thành viên có những cuộc gặp gỡ song phương hoặc đa phương.
Ngoài tổng thống Mỹ Trump, các lãnh đạo quan trọng của khu vực như tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… đều tham dự hội nghị cấp cao.
Trung Quốc và Hàn Quốc đã thu xếp được cuộc gặp giữa ông Tập và ông Moon. Những cuộc gặp song phương như giữa ông Putin và ông Trump, giữa ông Putin và ông Tập – một khi được sắp đặt như vẫn thường thấy bên lề những hội nghị quốc tế lớn – sẽ tác động tới không chỉ quan hệ song phương mà còn cả những chuyện chung của cả thế giới, đến tương lai chính trị an ninh và triển vọng hoà bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Chương trình nghị sự của họ sẽ không chỉ đề cập và xử lý những vướng mắc trong quan hệ song phương, mà còn trao đổi quan điểm, nhất trí đối sách và phối hợp hành động nhằm xử lý những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Tuần lễ Cấp cao APEC tạo điều kiện thuận lợi để 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) quyết định số phận của thoả thuận này sau khi Mỹ rút khỏi.
Bài học từ TPP cũng là bài học đối với APEC. APEC cũng như TPP tập hợp và tranh thủ được càng nhiều đối tác càng tốt nhưng phải định hướng chiến lược, tổ chức bộ máy và đồng thuận nội bộ, sao cho sự ra đi của một hay một vài thành viên không tức khắc đẩy diễn đàn hay thoả thuận vào khủng hoảng về “tồn tại hay không tồn tại”, mà trái lại còn phải làm sao để các thành viên đó sớm tham gia trở lại.
Tất cả 11 thành viên hiện tại của TPP đều tham gia APEC. Lãnh đạo 11 nền kinh tế này đều tới Đà Nẵng dự hội nghị cấp cao. Cơ hội có thể nói không thể thuận lợi hơn được cho 11 thành viên này tiến hành những cuộc trao đổi và bàn luận cần thiết TPP không tan vỡ chỉ vì Mỹ không còn tham gia nữa.
Cuộc gặp làm việc ở cấp bộ trưởng là không thể thiếu nếu tất cả 11 thành viên này muốn phát đi thông điệp rõ ràng và hạ quyết tâm mạnh mẽ là TPP vẫn được thực hiện.
Nếu tổ chức được hội nghị cấp cao giữa các lãnh đạo TPP, để thể hiện ý chí chính trị và nhất trí về định hướng cũng như nguyên tắc, thì TPP chẳng khác gì có được bước chuyển quyết định mới và hội nghị cấp cao của APEC đạt được thêm một thành quả quan trọng nữa.
Cho nên chuyện sự kiện chính hay phụ trong diễn đàn lớn chỉ là kết quả của sự nhìn nhận về danh nghĩa chính thức. Còn về giá trị và tác dụng thực tế thì chuyện dẫu phụ thật đấy nhưng đâu có kém phần quan trọng.