Áp lực vốn gia tăng với các ngân hàng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn tháng 11 vừa qua tăng 13,5% so với cuối năm 2016, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 3,1%. Trong khi đó, tín dụng đã được đẩy nhanh, tăng 15,3% so với đầu năm. Với việc nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh, tốc độ huy động vốn của nhiều ngân hàng đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó, thời điểm gần Tết Nguyên Đán cũng là lúc nhu cầu rút tiền mặt tăng cao khiến việc thu hút tiền gửi càng khó khăn hơn.

Tăng lãi suất thu hút tiền gửi

Trong 2 tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã mạnh dạn điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất nhằm thu hút người dân gửi tiền nhiều hơn.

Cụ thể, đầu tháng 12, VPBank đã có điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại hàng loạt kỳ hạn. Ngân hàng này tăng lãi suất trong kỳ hạn 1 tháng từ 5% lên 5,2%; tăng lãi suất tiết kiệm trong kỳ hạn 2 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 5,2%. Các kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 6,8%; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng tăng từ 6,7% lên 6,9%.

Tại Sacombank, lãi suất tiền gửi của kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 5,3%, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5% – ngang với kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng. Tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng tăng từ 6% lên 6,2% trong khi các kỳ hạn dài hơn đến dưới 12 tháng tăng thêm 0,4 điểm so với trước lên 6,4%. Các kỳ hạn 1 năm trở lên được áp dụng lãi suất từ 7,05% đến 7,4%/năm, đặc biệt nếu khách hàng có 500 tỷ trở lên gửi kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất là 7,6%/năm.

Trước đó, trong tháng 11, BIDV và VietinBank đã có bước điều chỉnh lãi suất khá mạnh tay. BIDV tăng lãi suất thêm 0,5% các kỳ hạn ngắn 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 9 tháng lên lần lượt là 4,8%/năm, 4,8%/năm, 5,8%/năm và 6%/năm.

Hàng loạt các chương trình khuyến mại

Bên cạnh tăng lãi suất tiết kiệm, hàng loạt các chương trình khuyến mại được nhiều ngân hàng áp dụng với các chiêu phổ biến bao gồm gửi tiền được quà, tặng thêm lãi suất, cơ hội bốc thăm trúng thưởng các giá trị lớn.

BIDV mới đây đã có thông báo về chương trình khuyến mại trong dịp Tết. Tổng giá trị của chương trình này lên đến 18 tỷ đồng và dành cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng từ 2/1-30/3/2018.

Còn tại Sacombank, với tổng giải thưởng lớn hơn lên đến 40 tỷ đồng, cũng được áp dụng dành cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm và sử dụng dịch vụ ngân hàng. TPBank dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trên toàn quốc với gần 4.000 phần quà có tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng thông qua chương trình khuyến mại.

Một số ngân hàng khác thay vì triển khai trên toàn quốc lại chọn một số địa bàn để áp dụng nhằm thu hút khách hàng tiềm năng, ví dụ như SeABank áp dụng tặng 10.000 phần quà dành riêng cho các khách hàng gửi tiết kiệm tại khu vực miền Nam đến 30/12/2017.

Tìm kiếm nguồn vốn dài hạn

Bên cạnh việc tăng lãi suất và thu hút dân cư gửi tiền bằng chương trình khuyến mại thì nhiều ngân hàng đã nghĩ đến việc tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn như phát hành trái phiếu, vay các định chế tài chính nước ngoài. Việc phát hành trái phiếu được coi là một trong những lựa chọn tối ưu để bổ sung nguồn vốn vì vừa đáp ứng được yêu cầu cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR và vừa giúp cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn. Theo quy định của NHNN, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 45% kể từ đầu năm 2018.

Vừa qua, thông qua 2 đợt chào bán, VietinBank đã phát hành thành công 420.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm thu về 4.200 tỷ đồng cho nhà băng này. VPBank hôm 22/11 cũng thông báo phát hành riêng lẻ 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm, với điều kiện không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền, lãi suất trái phiếu cổ định ở mức 6,7% trong toàn bộ kỳ hạn. Ngày 15/12 mới đây, VIB đã có thông báo về việc phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi để bổ sung vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.

Một ngân hàng tầm trung khác là LienVietPostBank cũng có kế hoạch phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng nhưng phải hoãn lại vào cuối tháng 10/2017 để ưu tiên đảm bảo tiến độ phát hành cổ phiếu.

Ngoài việc phát hành trái phiếu, một số ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thương mại từ các định chế tài chính nước ngoài. Như VPBank hôm 23/11 đã nhận khoản vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho công ty con là FE Credit. Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhận được khoản vay 122 triệu USD từ IFC và 41 triệu đô la từ Credit Suisse. Còn VIB hồi giữa tháng 11 cũng đã nhận được khoản vay 185 triệu USD từ IFC và ba ngân hàng ngoại gồm Ngân hàng Cathay United; Ngân hàng Công thương Trung Quốc chi nhánh Hồng Kông và Ngân hàng Kiatnakin Thái Lan.

Mới đây nhất, ngày 19/12, ABBank đã nhận được khoản vay hợp vốn trị giá 150 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để tăng cường cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Cuộc đua huy động đến hồi gay cấn: Thêm 2 ngân hàng lớn nhập cuộc nâng mạnh lãi suất

Bài viết mới