Những biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được sự thanh tịnh khi ngồi thiền và điều đó sẽ giúp cải thiện sức khỏe về cả tinh thần lẫn thể chất của bạn.
1. Khởi đầu từ từ và chậm rãi
Mỗi chúng ta ai cũng đều rất bận rộn, trong khi việc ngồi thiền lại cần một khoảng thời gian nhất định để luyện tập và làm quen. Các chuyên khuyên rằng bạn nên bắt đầu một cách từ từ, chậm rãi bằng cách chọn một khoảng thời gian nhất định trong ngày để luyện tập, mục đích để não bộ của bạn quen với thời gian tập thiền cố định này.
Hãy bắt đầu với những bài tập thở vào các giờ nghỉ giải lao như nghỉ trưa, ngay sau khi bạn vừa ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ. Hãy chú tâm vào tập thở một cách nhịp nhàng nhất để đạt được hiệu quả tối ưu ban đầu.
2. Bắt đầu trong tư thế thoải mái
Hãy để cho cơ thể cảm thấy thoải mái nhất, đừng ép buộc cơ thể mình phải ngồi thiền. Bạn càng cố thì sẽ càng khó để tĩnh tâm. Trong tâm trí bạn sẽ liên tục vang lên câu hỏi làm thế nào để gạt bỏ suy nghĩ của mình đi và chúng sẽ cứ thế tồn tại khiến bạn càng khó đi vào trạng thái thiền hơn.
Trên thực tế, thiền tạo ra một mối liên kết giữa bạn với chính cơ thể mình, vì vậy hãy để mối liên kết này phát triển một cách tự nhiên. Hãy để cơ thể được thoải mái, để trải nghiệm những phút giây thư giãn nhất mà thiền định mạng lại.
3. Lắng nghe cơ thể
Một trong những lợi ích của việc ngồi thiền mỗi ngày đó là bạn có thể lắng nghe được cơ thể của mình. Bắt đầu với sự thay đổi đơn giản trong việc tập trung vào từng bộ phận của cơ thể. Hãy thả lỏng một cách tự nhiên và thoải mái. Bắt đầu đếm ngược từ 100 và tập trung sự chú ý của mình vào từng bộ phận trên cơ thể để thả lỏng và thư giãn các cơ bắp tại đó một cách hiệu quả nhất.
4. Tập trung vào cảm xúc của chính mình
Tập trung vào cảm xúc của bản thân và cảm giác của cơ thể sẽ là một khởi đầu tốt cho việc luyện tập thiền định. Hãy tập trung đón nhận tất cả những cảm xúc, những trải nghiệm mà bạn gặp trong ngày bất kể chúng là cảm xúc tiêu cực hay tích cực. Việc chấp nhận tất cả những cảm xúc này giúp bạn dễ dàng gạt bỏ chúng đi và đạt được sự thanh tịnh trong tâm trí. Đây là thứ đặc biệt cần thiết và cũng là mục tiêu của việc thiền định.
5. Tìm người luyện tập cùng
Nếu bạn quá bận rộn và cảm thấy khó để có thể tự mình tập luyện thì việc kiếm một người bạn hay một nhóm bạn để giúp đỡ mình tập thiền hàng ngày là một lựa chọn thông minh. Một người bạn đáng tin cậy hay một nhóm nhỏ có thể giúp bạn có động lực hơn trong việc tĩnh tâm, thiền định hàng ngày.
Các nhóm luyện tập thiền trên Facebook hiện nay rất nhiều, ở đây bạn có thể tìm ra những người có cùng chí hướng với mình. Ngoài ra, việc giao lưu với họ sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin cũng như cởi mở hơn rất nhiều. Đây cũng là yếu tố giúp việc tĩnh tâm thiền định của bạn trở nên dễ dàng hơn.
6. Sử dụng các công nghệ hỗ trợ
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ như hiện nay, có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ cho việc luyện tập thiền. Điển hình là ứng dụng trên điện thoại di động, như: Fibit Charge 2, Smiling Mind, Headspace… Những ứng dụng này hướng dẫn để thở sao cho đúng cách, làm sao để gạt bỏ cảm xúc, làm tâm trí bạn trở nên tĩnh lặng để nhanh chóng đạt được trạng thái thiền như mong muốn.
Thiền định mang lại rất nhiều lợi ích. Những điều đã kể ra ở trên là những phương pháp đơn giản nhất giúp bạn dễ dàng ứng dụng thiền định vào cuộc sống hàng ngày. Hãy thử áp dụng chúng ngay hôm nay để có thể nói không với căng thẳng trong cuộc sống.