Việt Nam đang là thỏi nam châm hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
Theo bà Eugenia Victorino – Chuyên gia Kinh tế của ANZ , Khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, mặc dù đầu năm 2017, Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam là 6,5%, nhưng hiện chỉ tiêu này được điều chỉnh lên 6,7%.
ANZ cũng khá lạc quan về chỉ tiêu tăng trưởng GDP có thể cao hơn nữa nhờ tăng trưởng xuất khẩu được khôi phục và vượt qua dự báo ban đầu. Nhất là khi cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chuyển dịch tích cực. ANZ dự báo năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,8%.
Tương tự các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát năm 2017 là 3,5% và dự kiến năm 2018 được giữ ổn định ở mức này. Tuy nhiên, theo bà Eugenia, chỉ số lạm phát là chỉ số bất định nhất do chúng ta không thể chắc chắn về diễn biến giá dầu thô trên thế giới.
Trong khi đó, lãi suất ổn định, dự báo năm 2018 bằng với năm 2017. Tỷ giá VND/USD sẽ khá ổn định và mất giá ở mức độ thấp nhờ được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư, chính sách tăng dự trữ ngoại hối. ANZ dự báo vào cuối năm 2018, tỷ giá VND/USD là 22.900 đồng/USD.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bà Eugenia cho rằng, Việt Nam đang là thỏi nam châm hút dòng vốn FDI nhờ sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Điểm nhấn của Việt Nam trong hút vốn FDI không chỉ là chính sách ưu đãi, mà Chính phủ ký kết hàng loạt FTAs và đầu tư cho giáo dục qua đó tỷ lệ lao động có tay nghề tăng, tỷ lệ lao động biết chữ cao.
ANZ cũng đánh giá dòng vốn FDI vào Việt Nam có sự thay đổi đầu tư vào khu vực công nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành tiện ích – điện và nước thay vì chỉ tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo – nơi tiêu thụ điện năng rất lớn.
Quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam trong 3 năm qua có nhiều tiến bộ
“Tăng trưởng tín dụng cao thường đi kèm với nợ xấu. Nhìn vào tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 3 tháng qua cho thấy nhiều tín hiệu tốt khi mà tăng trưởng tín dụng vào tháng 8/2017 so với cùng kỳ năm trước là 19%, nhưng đến giữa tháng 11/2017 chỉ tiêu này còn 15%, cho thấy tăng trưởng tín dụng chậm lại và có kiểm soát” – bà Eugenia chia sẻ.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng nhiều nhất lại thuộc vào nhóm ngành khác bao gồm ngành bất động sản, tiêu dùng của hộ gia đình, cho vay hộ kinh doanh cá thể….Tỷ lệ đóng góp tăng trưởng tín dụng nhóm ngành khác năm 2012 là 27% nhưng đến tháng 8/2017 là 35%.
ANZ đánh giá nợ xấu của Việt Nam là nợ có tính cơ cấu và hệ thống của nền kinh tế. Việt Nam có gắng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đi kèm tăng trưởng cao là nợ xấu.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam trong thời gian qua, và Việt Nam nên làm gì để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu này? Bà Eugenia và ông Dennis Hussey – Tổng Giám Đốc ANZ Việt Nam, Giám Đốc Khu vực Tiểu vùng Sông Mekong cho rằng: Không nên xử lý nợ xấu quá nhanh tạo ra tác động bất lợi đến nền kinh tế. Điều quan trọng là Việt Nam cần xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu. NHNN đã rất chú trọng về vấn đề này, và tiến bộ trong báo cáo nợ xấu của các ngân hàng.
Việc xử lý nợ xấu trong 3 năm trở lại đây của Việt Nam có nhiều tiến bộ. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các quy định, yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ các chế độ báo cáo, buộc các ngân hàng tăng quản trị rủi ro. Quốc Hội thông qua quy trình xử lý nợ xấu qua đó làm tăng tốc xử lý nợ xấu qua đó thu hồi nợ và xử lý nợ tốt hơn. Các Ngân hàng thương mại đã đầu tư mạnh cho hoạt động quản lý nợ xấu, đẩy nhanh tiến trình thu hồi nợ xấu.
Ngoài ra, việc NHNN đưa ra yêu cầu từ tháng 1/2020 tất cả các ngân hàng phải áp dụng Basel II – yêu cầu đảm bảo mức độ vốn, yêu cầu báo cáo, tuân thủ báo cáo, đánh giá thiệt hại thật sự về nợ xấu được báo cáo đầy đủ hơn.