Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 1.

Trong các mục tiêu của Năm APEC 2017 mà Việt Nam chủ nhà ưu tiên như: (1) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số và (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thì có lẽ những người sở hữu doanh nghiệp 5-6 người chắc nhớ mỗi điểm số 3.

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 2.

Tuần vừa rồi tôi về quê, gặp bà con vui vì nhiều người ăn nên làm ra. Người hàng xóm mở xí nghiệp 6-7 công nhân chuyên sản xuất máy nghiền đá. Anh đi khắp các miền , sang cả Lào và dự định đến Trung Quốc nếu không phải xin visa.

Cô cháu họ nhanh nhẹn mở xí nghiệp 5 người chuyên sản xuất đá mỹ thuật, giúp xây chùa chiền, nhà thờ, mộ phần, hiện đang nở rộ. Vài năm làm ăn mà cháu xây được cái nhà mái bằng cho mẹ.

Kể ra còn nhiều và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ tuy dưới chục người nhưng đóng góp cho kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm và sức vươn không dừng ở biên giới Việt Nam.

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các lãnh đạo APEC và ASEAN tham dự cuộc đối thoại không chính thức được tổ chức lần đầu tiên giữa hai khối này, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 (Ảnh: Trí thức trẻ)

Lúc trà dư tửu hậu, bà con hỏi tôi, APEC là cái gì mà tổ chức long trọng thế, ngày nào cũng lên tivi, có tổng thống nước nào to lắm đến dự mà, thấy toàn xe khủng, máy bay khủng, an ninh khủng…

Tôi giải thích, APEC như sông Hoàng Long từ quê Hoa Lư nhà mình kéo dài ra biển, hai bên có dân cư sản xuất ra gạo, rau, thịt và cần trao đổi hàng hóa. Có những con thuyền đi buôn dừng chỗ này mua hàng mang sang chỗ khác bán lấy lời, dân đôi bờ đều có lợi. Để cho buôn bán thuận lợi cần có luật của dân hai bên bờ đồng ý với nhau.

APEC là một ý tưởng như vậy cho 21 quốc gia, được thành lập từ năm 1989 hiện đã trở thành cộng đồng kinh tế gần 3 tỷ dân, đóng góp gần 60% GDP toàn cầu và khoảng 50% thương mại thế giới, một vành đai từ Alaska xuống Nam Mỹ, vòng qua Nam Thái Bình Dương, lên Đông Nam Á, qua Trung Quốc, Nhật và Nga, đến mũi Bering lại nhìn sang Alaska.

Các cụ hỏi, 60% GDP thế giới là bao nhiêu tiền? Đó là khoảng 42 nghìn tỷ đô la, tương đương với 200 ngàn lần thu nhập quốc gia của Việt Nam khoảng 200 tỷ, và Ninh Bình làm cả năm 2016 ra trên 10 tỷ đô.

Để đồng ý với nhau về mặt nguyên tắc thì các ông lớn phải ngồi với nhau, đồng ý, ký kết, đại loại khá phức tạp.

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 4.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại CEO Summit, đề cao toàn cầu hóa và Trung Quốc mở cửa

Cuối cùng các cụ hỏi, liệu mang máy nghiền đá quê mình bán cho Mỹ “ăn theo cái anh APEC được không?” Được chứ, nếu họ thấy giá rẻ, chất lượng tốt, bảo vệ môi trường bền vững, mua máy 5 triệu mang về sản xuất đá rải đường cho Mỹ mà lãi 1 triệu thì họ mua là cái chắc. Các cụ gật gù “thằng APEC này được” rồi làm điếu thuốc lào mơ màng “bao giờ tao được sang Mỹ nhỉ.”

Nhưng thuế thế nào?

Câu chuyện quay lại hàng rào thuế quan và chính sách phát triển, nếu không khéo có chính sách tốt tại địa phương thì đó là cản trở cho những doanh nghiệp nhỏ ở vùng quê hẻo lánh chả biết APEC là gì.

Nhưng có cháu gái cứ xoắn lại hỏi từ tiếng Anh, SME là gì chú ơi, có phải doanh nghiệp đá của cháu không.

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 5.

Ngày 10/11 có thể coi là ngày quan trọng nhất của APEC vì các chuyên cơ từ các siêu cường đã hạ cánh tại Đà Nẵng. Ông Putin đến từ Moscow, các ông Donald Trump và Tập Cận Bình xuất phát từ Bắc Kinh.

Một kịch bản APEC tuyệt vời cho toàn cầu hóa và hội nhập đó là Putin đi Bắc Kinh và đón hai ông và đi Đà Nẵng, mới đúng nghĩa “đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng” như là một trong 4 ưu tiên mà nước chủ nhà Việt Nam đặt mục tiêu cho APEC 2017.

Nhưng đó chỉ là kịch bản trong giấc mơ nhân loại khi thế giới không còn chiến tranh, một thế giới đại đồng như Karl Marx từng mơ ước.

Chẳng biết khi nào thì thế giới tới được khoảnh khắc đó, chỉ biết hiện nay các ông đều đi riêng, có người đi thẳng từ sân bay vào phòng họp đến thẳng Cung hội nghị Ariyana như tổng thống Trump và lên bục phát biểu.

Mỗi người một thông điệp riêng, một ý riêng, nhưng chung qui lại, đó là tự do và bình đẳng trong thương mại, tự do hàng hải và hàng không, một ý tưởng tuyệt vời của toàn cầu hóa và hội nhập cho phát triển.

Ấn tượng APEC: Từ câu chuyện của các siêu cường cho đến dấu ấn APEC trong làng quê Việt - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit) vào chiều ngày 10/11 (Ảnh: Trí thức trẻ)

Tôi nháp bài viết này từ khi chưa có phát biểu của ông Trump, ông Tập hay ông Putin. Một nước dựa vào kinh tế trí thức, sở hữu trí tuệ, một nước dựa vào hàng hóa giá rẻ, một nước dựa vào tài nguyên, họ đều thành siêu cường, nên không khó đoán các phát biểu sẽ na ná như nền kinh tế của nước họ.

Thích nhất câu của Trump rất thực tế, ông coi “Nước Mỹ là trên hết” (America First) thì ông cũng mong các quí vị coi nước mình là số một. Quyền lợi quốc gia phải đặt lên hàng đầu, an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia.

Có truyền hình trực tiếp và dịch sát đến đâu những bài phát biểu, thì người dân quê tôi cũng chẳng hiểu tự do thương mại APEC là gì. Cái họ cần là có môi trường làm ăn tại quê, đóng thuế đàng hoàng, được tạo điều kiện thuận lợi thì dễ làm giàu cho bản thân và xa hơn là giúp cộng đồng.

Nhưng tôi biết, họ sẽ xúc động khi nghe tổng thống Trump nhắc đến hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị chống giặc ngoại xâm, ý muốn độc lập của dân tộc này có từ 2000 năm chứ không phải 200 năm. Mỹ và Việt trước kia là thù, nay là bạn, rồi chia sẻ với các nạn nhân bão Damrey ở miền Trung.

Thế đấy, APEC đến APEC lại đi, các VIP đến phát biểu những bài dài chẳng ai nhớ rồi đi, tất cả đã gói gọn trong mục tiêu riêng của mỗi nước thành viên. Chuyên cơ khủng, xe khủng đến rồi lại đóng thùng lên máy bay. Có những ký kết hợp đồng, những tuyên bố vài trăm tỷ đô.

Nhưng để có công ăn việc làm cho một làng bên Mỹ, một xóm bên Nga hay xứ Hoa Lư quê tôi, thì còn xa lắm và mênh mông như không gian APEC bên biển Thái Bình Dương.

Tôi tin, mấy mục tiêu của APEC 2017 thì có lẽ mấy bà con Hoa Lư sở hữu doanh nghiệp 5-6 người nhớ và hiểu điểm số 3 ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi đoán thế vì cô cháu đang cố học từ SME trong tiếng Anh là gì. Đó là Small (nhỏ), Medium (vừa), Enterprise, cháu ạ, nếu cháu vô tình đọc bài viết này. Bởi SME là tương lai trong những thập kỷ tới chứ không phải là những quả đấm thép.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì phiên họp quan trọng nhất APEC

Bài viết mới