Thương vụ mua lại hãng bán lẻ thực phẩm Whole Food trong năm ngoái đã đánh dấu việc ông trùm thương mại điện tử Amazon lấn sân sang các cửa hàng vật lý. Sau vụ này, nhiều người đã dự đoán bán lẻ dược phẩm sẽ là ngành tiếp theo mà Amazon nhắm đến. Tuy nhiên, ít ai nghĩ được rằng Jeff Bezos sẽ kéo theo cả Warren Buffett và Jamie Dimon vào lĩnh vực mới này.
Hôm qua (30/1), tin tức về việc Amazon của Bezos, Berkshire Hathaway của Buffett và JPMorgan Chase của Dimon đang có kế hoạch hợp tác để thay đổi cách cung cấp dịch vụ y tế cho 1 triệu người lao động trên khắp nước Mỹ đã làm dậy sóng ngành công nghiệp này.
Ở thời điểm hiện tại, kế hoạch mới chỉ ở giai đoạn đầu và chủ yếu tập trung vào nhân viên của 3 tập đoàn nhưng chắc chắn sự hợp sức của 3 ông lớn sẽ tạo ra những thay đổi đột biến trong ngành, đồng thời có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các công ty môi giới trong chuỗi cung ứng thuốc và dịch vụ y tế.
Amazon, Berkshire và JPMorgan dự định thành lập 1 công ty mới độc lập “không bị ràng buộc bởi động cơ kiếm lời”. Tuy nhiên, chừng đó tin tức cũng đủ khiến các cổ phiếu y tế trên TTCK giảm điểm mạnh.
Cổ phiếu của nhiều công ty dược Mỹ giảm điểm sau thông tin này. Nguồn: Bloomberg.
Theo nguồn tin thân cận, 3 tập đoàn sẽ thuê CEO và bắt đầu hợp tác với các tổ chức khác. Nỗ lực ban đầu tập trung ở hoạt động nội bộ, sau đó họ sẽ tận dụng sức mạnh về dữ liệu và đàm phán giá của mình để hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí y tế. Những con đường tiềm năng bao gồm tăng tính minh bạch về chi phí thử nghiệm thuốc và cho phép mua dược phẩm trực tiếp.
Trong thông báo được phát đi, tỷ phú Bezos cho biết dù khó khăn nhưng mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi phí y tế đang đè nặng lên nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo phúc lợi cho người lao động và gia đình họ là một mục tiêu đáng để phấn đấu.
Ban đầu công ty mới sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ cung cấp cho người lao động dịch vụ y tế đơn giản, minh bạch và chất lượng cao ở mức giá hợp lý. Amazon, Berkshire và JPMorgan nằm trong số những công ty tư nhân lớn nhất ở Mỹ. Họ cũng là 3 trong số những tập đoàn lớn nhất với tổng giá trị vốn hóa đạt 1.600 tỷ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp Mỹ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề chi phí y tế quá cao. IBM, công ty đường sắt BNSF của Berkshire và American Express là những cái tên đã đứng ra thành lập liên minh Health Transformation Alliance hiện đã có 40 thành viên (trong đó có những công ty dược như CVS và OptumRx) cam kết nỗ lực thay đổi hệ thống y tế.
Trong năm 2017, chi phí y tế chiếm khoảng 18% GDP Mỹ, cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Buffett lâu nay vẫn chỉ trích chi phí y tế phình to giống như 1 “con sán” đang háu đói đục khoét nền kinh tế Mỹ.