Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN (12/3/2008) ban hành Quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng hằng năm. Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn kết quả xếp hạng của năm liền kề trước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các tiêu chí xếp hạng ngân hàng gồm: nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm tiêu định tính.
Nhóm chỉ tiêu định lượng: đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nhóm chỉ tiêu định tính: đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các ngân hàng sẽ được đánh giá dựa trên 6 tiêu chí của CAMELS: Vốn; Chất lượng tài sản ; Quản trị điều hành; Kết quả hoạt động kinh doanh; Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Tùy sự đáp ứng 6 tiêu chí trên, các ngân hàng sẽ được phân thành 05 hạng: Hạng A (Tốt) có Mức điểm xếp hạng 1; Hạng B (Khá) có Mức điểm xếp hạng 2; Hạng C (Trung bình) có Mức điểm xếp hạng 3; Hạng D (Yếu) có Mức điểm xếp hạng 4; Hạng E (Yếu Kém) có Mức điểm xếp hạng 5.
Tuy nhiên, sau khi xếp hạng xong, thông tin về phân loại các ngân hàng sẽ không được công bố công khai trên website của Ngân hàng Nhà nước.
Vì Ngân hàng Nhà nước cho rằng do tính chất nhạy cảm của việc công bố và chất lượng của việc xếp loại cũng chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo. Đồng thời, qua nghiên cứu và tham khảo các tổ chức quốc tế (WB, JICA), hiện chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý công bố kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng và việc công bố kết quả nêu trên có tính nhạy cảm cao.