Ám ảnh “tàu ma Triều Tiên”

Nhà chức trách Nhật Bản đang đau đầu khi chứng kiến số lượng “tàu ma nghi của Triều Tiên” trôi dạt ngày một nhiều vào nước mình. Trong tuần này, họ đón vị khách không mời thứ 83 như thế kể từ đầu năm đến giờ – một con số cao kỷ lục.

Dấu hiệu của sự tuyệt vọng?

Cảnh sát tỉnh Akita cho biết chiếc tàu gỗ nói trên trôi vào bờ biển TP Katagami sáng 12-12. Đến hôm sau, cảnh sát địa phương và giới chức lực lượng bảo vệ bờ biển kiểm tra chiếc tàu và phát hiện 2 thi thể đã bị phân hủy một phần. Theo đài CNN, một thi thể có đeo huy hiệu mang hình cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trên trang phục. Cũng trong ngày 13-12, một thi thể mang một mẩu giấy ghi chữ Triều Tiên được tìm thấy trên bãi biển TP Akita gần đó.

Còn tại TP Kashiwazaki, tỉnh Niigata, một con tàu nghi của Triều Tiên cũng được tìm thấy hôm 12-12, với ít nhất một thi thể mang huy hiệu có hình ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Theo cảnh sát địa phương, một thi thể người khác được tìm thấy cách vị trí phát hiện con tàu khoảng 650 m nhưng chưa rõ có phải là người của con tàu hay không.

Trước đó, một số thi thể đã trôi dạt vào bờ biển tỉnh Niigata, trong đó có 2 thi thể được tìm thấy hôm 9-12. Chưa hết, 3 thi thể được tìm thấy khi trôi dạt ngoài khơi thị trấn Fukaura, tỉnh Aomori hôm 12-12 và cảnh sát đang tìm hiểu xem liệu những nạn nhân này có liên hệ gì với “tàu ma Triều Tiên” hay không.

Tính trong tháng rồi, 28 tàu nghi của Triều Tiên được tìm thấy, trong khi chỉ có 4 tàu cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, 1 con tàu bị phát hiện chở theo 8 bộ xương người. Những diễn biến này làm dấy lên nỗi lo về cuộc sống khó khăn của người dân tại Triều Tiên sau khi hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, nhất là khi nước này đang trải qua mùa đông khắc nghiệt.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào đầu tuần này cảnh báo tác động kép từ thời tiết khắc nghiệt và trừng phạt có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho người dân nước này. “Hoạt động cứu trợ nhân đạo của các cơ quan LHQ và những tổ chức khác đang là phao cứu sinh cho khoảng 13 triệu người tại Triều Tiên nhưng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự giúp đỡ quan trọng này” – ông Zeid Ra’ad Al Hussein, quan chức nhân quyền hàng đầu của LHQ, cảnh báo.

Cảnh sát Nhật đưa một nhóm thủy thủ khỏi một tàu Triều Tiên ở Hakodate hôm 9-12 Ảnh: KYODO
Cảnh sát Nhật đưa một nhóm thủy thủ khỏi một tàu Triều Tiên ở Hakodate hôm 9-12 Ảnh: KYODO

Liều mình vì sức ép

Có thể thấy rõ tác động của các biện pháp trừng phạt đến hải sản Triều Tiên. Ông Marcus Noland, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), giải thích với đài CNN rằng ngư dân Triều Tiên giờ đây buộc phải tìm cách bán những gì mình đánh bắt được trên thị trường chợ đen. “Họ phải hẹn gặp tàu nước ngoài tại vùng biển quốc tế và bán hải sản để chúng có thể được thay đổi xuất xứ (như từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc” – ông cho biết.

Trong khi đó, ông Satoru Miyamoto, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường ĐH Seigakuin (Nhật Bản), ghi nhận số lượng tàu thuyền dạt vào bờ biển Nhật bắt đầu gia tăng đáng kể từ năm 2013. “Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un mở rộng ngành đánh bắt thủy hải sản để tăng thu nhập cho quân đội, nhiều chiếc thuyền cũ không còn bảo đảm an toàn của quân đội được trưng dụng trong lúc nhiều thủy thủ đoàn không có kiến thức về đánh bắt cá” – ông Miyamoto lý giải.

Những thách thức họ đối mặt còn gia tăng bởi thời tiết thất thường tại những vùng biển quanh Nhật Bản.

Ông Robert King, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, chỉ ra thêm rằng thủy thủ đoàn trên các con tàu Triều Tiên còn chịu sức ép phải hoàn thành chỉ tiêu sản lượng để tránh bị trừng phạt. Điều này khiến họ phải mạo hiểm và có nguy cơ đối mặt thảm họa, như hết lương thực và nước ngoài khơi. Sự tuyệt vọng này thể hiện qua một vụ việc tại một hòn đảo nhỏ gần Hokkaido.

Một số người Triều Tiên trên một tàu sau khi trôi dạt đến đó đã trộm những gì có thể bán được bên trong vài tòa nhà họ được cho trú ẩn, theo nhà chức trách địa phương hôm 5-12. Theo đài NHK, phân nửa trong số 10 thành viên thủy thủ đoàn này nói họ là người của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Mối đe dọa gia tăng

Nhật Bản, Anh và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều dè chừng trước chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Báo Nikkei hôm 16-12 đưa tin Nhật Bản dự kiến chi khoảng 5.190 tỉ yen (khoảng 46 tỉ USD) cho ngân sách quốc phòng tài khóa 2018. Số tiền này nhiều hơn 70 tỉ yen (625 triệu USD) so với năm tài chính trước đó với mục đích giúp Nhật Bản đối phó chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Quân đội Nhật Bản sẽ dùng ngân sách bổ sung để mua và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A (do Tokyo hợp tác chế tạo cùng Washington). Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn lên kế hoạch phát triển tên lửa hành trình “Tomahawk phiên bản Nhật” tích hợp trên chiến đấu cơ và tàu chiến nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi.

Nỗi lo Triều Tiên cũng lan đến Anh khi Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson hôm 13-12 nhận định Bình Nhưỡng có thể tấn công thủ đô London bằng tên lửa trong vòng 6 tháng tới. Ông Johnson gợi ý Mỹ nên rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Hàn Quốc, sau đó thuyết phục Trung Quốc lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hôm 15-12, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá tình hình trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề căng thẳng và nguy hiểm nhất hiện nay. Ông Guterres đưa ra nhận định này sau khi Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ duy trì đồng thời cả hai mặt trận quân sự và kinh tế với tham vọng trở thành “quốc gia hạt nhân và quân sự mạnh nhất thế giới”, thách thức trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ja Song-nam cam kết Triều Tiên sẽ không là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia và khu vực nào miễn là lợi ích của nước này không bị đe dọa.

Cũng phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ sẽ sử dụng tất cả biện pháp cần thiết để tự vệ nhưng vẫn để ngỏ các kênh liên lạc. Tuy nhiên, ông Tillerson rút lại đề nghị đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên được ông đưa ra hồi đầu tuần này. “Triều Tiên phải tìm cách quay trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa” – nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nhấn mạnh. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tìm cách giảm nhẹ mối đe dọa của Triều Tiên khi nói ông không tin tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này hiện có khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Phạm Nghĩa

Nguy cơ chiến tranh Mỹ – Triều Tiên ngày càng gia tăng

Bài viết mới