Câu chuyện gần đây về một quỹ đầu tư trong nước trung thành với phương pháp “để hết trứng vào 1 rổ” và đã “thua ngược” dù trước đó báo lãi lớn lại một lần nữa dấy lên câu hỏi rằng phương pháp đầu tư “all-in” hay đa dạng hóa danh mục mới mang lại hiểu quả tốt hơn.
“Khi bạn có nhiều bóng trong chân, bạn càng có xu hướng để mất nó”
Đó là một phần triết lý bóng đá của HLV bóng đá nổi tiếng Jose Mourinho. Ông sẵn sàng nhường phần kiểm soát bóng cho đối thủ, còn mình sẽ tập trung hơn vào kiểm soát tình huống. Trong đầu tư, triết lý này có thể diễn giải theo nghĩa: “Khi bạn càng tạo ra nhiều lựa chọn, bạn càng dễ mắc sai lầm”. Những nhà đầu tư có cùng triết lý sẽ không phân bổ tài sản ở nhiều nơi, thay vào đó họ “đặt hết trứng vào 1 rổ và trông rổ thật cẩn thận”.
Đầu tư “all- in” cũng tương tự như thuật ngữ “đội bóng một người” ở trong bóng đá khi chỉ có 1 người làm nhân vật quyết định để làm nên thành công của cả đội. Do tính tập trung cực cao, việc lựa chọn “cầu thủ chiến lược” đòi hỏi năng lực lựa chọn cổ phiếu cực kỳ tốt (stock picking skill) của người quản lý.
Quay trở lại với quỹ đầu tư kể trên, việc đầu tư theo cách “all-in” của họ không phải là mới. Quỹ đầu tư này mới ra đời được trên 2 năm và hầu như trung thành với phương pháp “all -in” vào một cổ phiếu từ khi thành lập tới nay. MWG, PNJ là những cổ phiếu đem lại lợi nhuận cực tốt cho quỹ trong năm 2016, 2017 và tạo ra được uy tín nhất định đối với khách hàng. Tuy nhiên, trong năm nay, việc “all-in” vào VPB đã khiến quỹ bị thua ngược dù đã có lúc báo cáo lợi nhuận đạt hơn 40% từ đầu năm. Có vẻ như “cầu thủ chiến lược” của họ đang đi xa cầu gôn.
Xây dựng một tập thể ngôi sao thay vì phụ thuộc vào 1 người
Triết lý của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là lợi suất của cả danh mục không phụ thuộc vào 1 cổ phiếu riêng lẻ. Đầu tư đa dạng giúp giảm thiểu rủi ro công ty (company risk) và nhà đầu tư kỳ vọng khi một khoản đầu tư có kết quả tệ trong một thời điểm nhất định sẽ được bù đắp bởi sự tăng giá của khoản đầu tư khác.
Tuy nhiên cần nhắc lại một chút về quan điểm về đa dạng hóa trên thị trường chứng khoán. Đa dạng hóa ở đây không chỉ có nghĩa là mua cổ phiếu ở các ngành khác nhau mà hoàn toàn có thể coi thị trường chứng khoán chỉ là 1 loại hình đầu tư. Bên cạnh ttck chúng ta còn có bất động sản, thị trường hàng hóa, hay thậm chí tiền mã hóa cũng là một kênh đầu tư để giúp giảm thiểu rủi ro cho cả danh mục.
Nếu chỉ hiểu đơn thuần rằng đa dạng hóa có nghĩa rằng mua cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành khác nhau có lẽ nhà đầu tư sẽ phải trả giá đắt. Việc tăng, giảm của danh mục còn phụ thuộc vào độ tương quan của các nhóm ngành. Một điểm quan trọng khác là đa dạng hóa danh mục đầu tư không làm giảm rủi ro thị trường (market risk).
Trên thực tế, không có một cổ phiếu của ngành nghề nào tăng giá trong thời gian VNIndex bước vào nhịp điều chỉnh trong thời gian qua (tạm bỏ qua những cổ phiếu tăng giá mà không có thanh khoản). Vì vậy, ngay cả việc đầu tư đa dạng cũng không hề dễ dàng bởi vốn ít có người nào mà có sự am hiểu bao quát tới tất cả các lĩnh vực.
Quản trị rủi ro là yếu tố then chốt
“Khi bạn không để bị thủng lưới, điều đó có nghĩa là bạn không thua”- một câu nói nổi tiếng khác của HLV Mourinho. Câu nói này cũng tương đồng ý nghĩa với nguyên tắc quan trọng nhất của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet: “không để mất tiền”.
Vấn đề quản trị rủi ro là vấn đề quan trọng nhất trong công việc đầu tư cho dù lựa chọn phong cách “all- in” hay đầu tư đa dạng. Nhà đầu tư luôn cần chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Trên thị trường luôn tồn tại những kỳ vọng đối ngược nhau giữa các nhà đầu tư. Người thì cho rằng thị trường luôn đúng, kẻ thì nghĩ rằng thị trường luôn sai. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là nhà đầu tư phải làm gì nếu danh mục của mình có sự thể hiện không tốt.
HLV làm gì nếu một cầu thủ thi đấu không tốt trong một trận đấu? Rất đơn giản, họ chỉ cần thay người. Tuy nhiên, nếu cầu thủ đó liên tục thi đấu không tốt trong nhiều trận đấu thì cần phải tìm hiểu xem là đó chỉ là vấn đề về phong độ nhất thời, hay thực sự là chuyên môn của cầu thủ đó đã có sự kém đi. Với một danh mục đầu tư, có thể thị trường chưa đánh giá đúng về cổ phiếu mà bạn nắm giữ, nhưng bạn lại “hết tiền” trước khi thị trường kịp đánh giá đúng về danh mục đó thì cũng giống như thi đấu mà không có phương án dự phòng.
Một HLV bóng đá nổi tiếng với phong cách bóng đá tấn công đẹp mắt là Jurgen Klopp. Ông luôn trung thành với đấu pháp của mình, luôn tiếp cận trận đấu với việc coi tấn công là lẽ sống. Tuy nhiên, ông thường không có phương án bảo vệ thành quả của mình, cũng như không có phương án thay thế nếu mọi chuyện xảy ra ngoài dự đoán. Nếu một đội bóng ghi được 3 bàn thắng rồi để thủng lưới tới 4 bàn thì tất cả những gì họ mang lại cho người hâm mộ chỉ là cảm xúc nhất thời, chứ không phải là danh hiệu. Điều đó cũng tương tự như việc đầu tư, kết quả là thứ cần đạt được chứ không phải là cảm giác “ghi bàn”.