Sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’: Người gửi tiền cẩn thận trước nạn lừa đảo

Vào năm 2012, 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm từ ngân hàng, các khách hàng đã kiểm tra đối chiếu số tiền ghi trước khi mang về nhà cất giữ. Nhưng sau 5 năm, đầu tháng 9/2017, đi tất toán thì họ được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không hề có trong hệ thống. Chỉ đến khi họ làm đơn, làm việc với ngân hàng này và cơ quan công an điều tra vào cuộc, tất cả mới tá hoả bởi trên thực tế, dù đã mở sổ tiết kiệm, nhưng số tiền này không hề có trong hệ thống ngân hàng. Đáng nói, thông tin cập nhật mới nhất cho thấy hoá ra có tới 24 khách hàng bị dính vào vụ việc này với tổng số tiền bay hơi lên tới 500 tỷ đồng.

Cũng một vụ việc sổ tiết kiệm bay hơi hồi tháng 7/2017 đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Theo đó, vào cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị H., ở Phú Thọ làm sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng tại một ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh này. Qua hạn ít ngày, có việc rút ra, bà H. bị “sốc” khi cuốn sổ mang tên mình bốc hơi 790 triệu chỉ còn 10 triệu đồng. Nói với PV Tiền Phong qua điện thoại, đồng thời gửi kèm đơn và các chứng cứ khác, con gái của khách hàng này cho biết: “Hồi đó, tôi muốn làm cho mẹ mình cuốn sổ tiết kiệm nhưng sức khoẻ bà yếu trong khi cán bộ ngân hàng nghe điện tôi gọi hỏi lãi suất đã lập tức “nhiệt tình” xin đến tận nơi phục vụ. Mẹ tôi gửi 6 tháng, nhưng qua hạn thấy không cần nên vẫn để đó một thời gian”.

Vụ khách hàng Ngô Văn Toán (thành phố Lào Cai) gửi đơn tới khắp lượt cơ quan báo chí “kêu” về việc đã gửi tổng cộng gần 78 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm tại chi nhánh một ngân hàng tại Cam Đường, Lào Cai nhưng khi đến hạn đến rút số tiền trên bị nhân viên ngân hàng từ chối rút với lý do số tiền gửi ghi trong sổ và ghi nhận hệ thống không khớp nhau cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, giá trị 11 sổ tiết kiệm của ông Toán được hệ thống ngân hàng ghi nhận chỉ 11 triệu đồng (1 triệu đồng một sổ) thay vì gần 78 tỷ đồng.

Thấy gì từ việc sổ tiết kiệm tiền tỷ bỗng dưng bay hơi? Một cán bộ ngân hàng cho biết: Năm 2011 là thời điểm trong cơn cuồng phong giới nhà băng “cạn kiệt” thanh khoản, chạy đua lãi suất. Để có tiền, các ngân hàng sẵn sàng đến tận nhà dân huy động tiền gửi, từ đó phát sinh kiểu khách hàng VIP. Anh Nguyễn Tuấn, từng là phó giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của một NHTM Nhà nước thừa nhận: Vào thời điểm đó, khách hàng cứ có tiền tỷ được xem là khách VIP. Không chỉ hưởng lãi suất cao mà chỉ cần khách a lô, chúng tôi lập tức đến tận nơi làm thủ tục liền. “Đây thực ra cũng là một kẽ hở, các ngân hàng biết nhưng vì quá cần khách nên đa số đều lờ đi ”, anh Tuấn nói.

Theo một lãnh đạo NHNN, tất cả vụ việc xảy ra, NHNN đều chỉ đạo cơ quan Thanh tra giám sát nắm bắt, yêu cầu các NHTM phải cập nhật báo cáo ngay. Đồng thời chỉ đạo nêu rõ phải xem xét xử lý nếu cán bộ có dấu hiệu vi phạm hay làm sai quy trình. Tuy nhiên, còn một điều mà theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, rất khó có quy định, quy trình nào kiểm soát được đó là đạo đức cán bộ ngân hàng, đặc biệt là những người được tin tưởng giao trọng trách như trưởng phòng giao dịch hay giám đốc chi nhánh.

Đơn cử: Tại vụ việc OceanBank chi nhánh Hải Phòng, cơ quan điều tra tìm ra, lý do số tiền của các khách hàng không hề có trong hệ thống ngân hàng là bởi ba cán bộ NH nằm trong quy định kiểm soát dòng tiền gửi đi vào hệ thống gồm Trần Thị Kim Chi – nguyên giám đốc chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ – nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng- nguyên kiểm soát viên kế toán đã câu kết lừa đảo bằng cách sử dụng các thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả. Còn tại Phú Thọ, ngay khi NHTM nơi người dân gửi tiền chuyển vụ việc đến cơ quan công an thì câu chuyện mới được lộ rõ là nữ trưởng phòng giao dịch của chi nhánh ngân hàng này đã có hành vi tham ô tài sản.

Khách hàng mất 400 tỷ đồng tiết kiệm ở OceanBank có được ‘đền’?

Bài viết mới