Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 “Tìm bước đột phá” diễn ra chiều ngày 10/8, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nền kinh tế Việt Nam có hai đặc điểm nổi trội và đặc thù là đang chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang thị trường nên phải có độ trễ. Do đang trong quá trình hội nhập vào sân chơi chung nên Việt Nam vẫn đang cải cách để tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Những nỗ lực của Chính phủ trong các năm vừa qua trong cải cách thể chế nhằm làm cho các thể lệ của Việt Nam làm sao phải thông thoáng, thuận lợi, có khả năng dự báo, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Theo các cải cách mới thì Nhà nước phục vụ doanh nghiệp, loại bỏ những quy định không còn phù hợp để hướng đến mục tiêu môi trường đầu tư của Việt Nam vào top 4 Asean.
Việt Nam trong thời gian vừa qua đang dựa quá nhiều vào tiềm năng tĩnh là tài nguyên, lao động, vị trí địa lý thuận lợi. Các tiềm năng này đã đến giới hạn và Việt Nam cần tạo ra tiềm năng động gồm sáng tạo, thể chế… Đồng thời tất cả các động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian qua đến từ việc thực hiện cải cách và các cải cách này cũng đến giai đoạn bão hòa cần một cú hích khác.
Do những yếu tố đó mà Việt Nam hiện đang cần các khu hành chính đặc biệt có cơ chế vượt trội tạo cú hích cho nền kinh tế. Chính phủ đã giao cho cơ quan chức năng soạn thảo Luật khu hành chính kinh tế đặc biệt, đây là bộ luật ra đời tạo cơ sở pháp lý cho ra đời 3 khu đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong.
Việc xây dựng các khu vực đặc biệt như đặc khu, khu kinh tế mở… cũng là xu thế phát triển của các nước trên thế giới… Việt Nam cũng có nhiều mô hình như khu công nghiệp, khu cảng… nhưng chưa đủ và buộc phải lập ra một sân chơi mới với thể chế mới tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Đó là nơi mà các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, tất cả mọi ý tưởng đều có thể áp dụng. Do tính chất đây là tạo dựng ra một sân chơi mới cho các nhà đầu tư nên nơi này sẽ dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư để lập nên thể chế chứ không vì nguyên tắc của Nhà nước.
Tuy nhiên, nguyên tắc của khu vực này cũng sẽ không thể cao hơn hiến pháp và vẫn phải đảm bảo các vấn đề an ninh, sức khỏe người dân, văn hóa… nhưng là hoàn toàn tự do về kinh tế.
Theo ông Dũng, cơ quan chức năng thúc đẩy việc này đã nghiên cứu rất nhiều mô hình trên thế giới đặc biệt là cách làm của Trung Quốc và Dubai.
Một vài ví dụ về sự khác biệt của các khu vực đặc biệt này như vấn đề thời hạn sử dụng đất đai, hiện đang khoảng 55 năm nhưng với các khu vực đặc biệt thì cơ quan chức năng đang kiến nghị Quốc hội cho đến 99 năm. Hay mô hình chính quyền, hiện nay thiết kế nhiều cấp nhưng ở những khu này chỉ 1 cấp. Đồng thời, vấn đề thuế cũng sẽ có ưu đãi vượt trội.
Dĩ nhiên, phương án sẽ chờ Quốc hội quyết định nhưng cơ bản là tiệm cận với các mô hình quốc tế.
Chia sẻ thêm, đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ông Dũng cho biết cả ba khu này đã được Trung ương cho phép về chủ trương kinh doanh casino du lịch và không bị hạn chế chỉ như vậy. Các khu vực này sẽ tùy vào điều kiện địa lý mà có nhiều ngày nghề, bên cạnh ngành nghề ưu tiên. Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển tốt nhất Việt Nam thì có thể phát triển logistics hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học…. Các ngành nghề có giá trị gia tăng cao sẽ được thiết kế tại các khu vực này và không xung đột với nhau.