‘Việt Nam chưa thể làm như các nước được’

Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải loạt bài “ Tháo “vòng kim cô” cho doanh nghiệp (DN) , trong đó có đề cập đến những khó khăn của DN khi tuân thủ những thủ tục về kiểm tra chuyên ngành, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Ngày 9-8, đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với PV nhằm làm rõ một số vấn đề được nêu lên.

Phó Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga khẳng định: “Với điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay mà để DN tự công bố và đảm bảo chất lượng sản phẩm như các nước tiên tiến là khó khả thi”.

Nhiều nước đã áp dụng, Việt Nam thì chưa

. Phóng viên: Thưa bà, nhiều DN vẫn than phiền rất nhiều rằng Nghị định 38 của Bộ Y tế làm khó họ, đặc biệt chi phí tuân thủ ngốn một nguồn lực không nhỏ của DN?

+ Phó Cục trưởng Trần Việt Nga: Thực ra Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho DN. Ví dụ nhiều ngành hàng khi nhập khẩu không phải công bố ATTP, như nhập nguyên liệu vào sản xuất và gia công thực phẩm chỉ để xuất khẩu.

. Nhưng chắc bà cũng biết Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đề xuất bỏ thủ tục công bố ATTP trước khi sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường?

+ Đúng là trong quá trình sửa đổi Nghị định 38, VASEP kiến nghị bỏ thủ tục công bố ATTP. Thay vào đó, các DN chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan nhà nước. Sau đó cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra xem đúng không thì mới cấp giấy tiếp nhận, xác nhận.

Họ muốn các DN cứ công bố, đảm bảo và nếu hậu kiểm sai thì mới bị xử lý như hiện nay đang áp dụng tại Singapore, Nhật Bản và một số nước tiên tiến.

. Vậy tại sao Việt Nam, mà cụ thể là Cục ATTP không làm theo cách thức đó để tạo thuận lợi cho DN, thưa bà?

+ Bởi vì ở các nước kể trên, ý thức chấp hành pháp luật của DN là rất cao. Trong khi ở Việt Nam, việc các DN tự nguyện tuân thủ, chấp hành pháp luật chưa cao. Ở các nước, làm gì có chuyện hộ sản xuất sẽ trồng một luống rau để ăn, còn các luống rau khác để bán. Làm gì có chuyện bơm tạp chất vào tôm, cho chất tẩy trắng vào bún. Vì thế Việt Nam chưa thể áp dụng cách thức của Singapore, Nhật Bản… được.

Mặt khác, nếu nhìn ra các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc thì các sản phẩm ở những quốc gia này cũng được cấp giấy chứng nhận trước khi đưa ra lưu thông.

Rừng giấy phép con vẫn tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh thịt, cá, rau củ… Ảnh: HTD

Rừng giấy phép con vẫn tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh thịt, cá, rau củ… Ảnh: HTD

Cải cách hành chính tối đa

. Những điều bà nêu dường như đang tồn tại ở các hộ sản xuất nhiều hơn là DN. Do vậy, các DN như bà biết vẫn tha thiết được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình?

+ Tôi vẫn cho rằng trong tình hình này để DN tự công bố, kinh doanh rồi cơ quan nhà nước hậu kiểm là vô cùng khó khăn. Ví dụ như thực phẩm chức năng, nếu để DN tự công bố công dụng thì một sản phẩm sẽ không kiểm soát nổi có bao nhiêu công dụng được ghi trên nhãn!

. Vấn đề còn nằm ở chỗ các DN than phiền có quá nhiều giấy phép, thậm chí giấy chứng nhận an toàn là không cần thiết và chỉ tạo ra xin-cho. Thậm chí có DN dẫn ra ví dụ một chiếc bánh sôcôla phải cõng 13 giấy phép?

+ Như tôi đã nói, việc quy định về thủ tục hành chính hay giấy phép cần phải xem xét và cân nhắc thấu đáo xem thủ tục đó có cần thiết hay không. Còn khi thực thi, các cơ quan nhà nước phải cải cách hành chính tối đa, giảm thời gian xử lý hành chính, minh bạch và công khai các thủ tục, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu DN.

Các bộ không chịu bỏ giấy phép con

Khi nói về các giấy phép con, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kể: “Tôi có kinh nghiệm gần 20 năm rồi, từ năm 1999 khi bắt đầu xây dựng Luật DN. Tôi thấy không bao giờ các bộ, ngành chịu bỏ các điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, một giấy phép khi các bộ muốn bảo vệ thì sẽ nói đó là bảo vệ sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh lương thực… nên không thể bỏ được”.

“Những lập luận này không có cơ sở. Người ta nhân danh lợi ích chung để bảo vệ lợi ích riêng của bộ mình, ngành mình. Thế giới người ta không kiểm soát bằng “chứng nhận phù hợp ATTP” mà người ta kiểm soát từ gốc, quy trình, tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất” – TS Cung nói.

. Trong phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, VASEP đã đưa ra những ví dụ về thủ tục rất nhiêu khê. Cá biệt có trường hợp gần đến ngày hết hạn thì Cục ATTP mới yêu cầu bổ sung hồ sơ và điều này làm tốn nhiều thời gian, chi phí của DN?

+ Trước tiên phải khẳng định không có trường hợp DN nộp hồ sơ xong, gần đến ngày trả kết quả thì thông báo thiếu hồ sơ! Chỉ có các trường hợp DN nộp hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định, chúng tôi hướng dẫn họ làm lại.

. Không chỉ VASEP, nhiều DN và hiệp hội cũng cho rằng những chứng nhận hợp quy của Cục nói riêng và của quy trình kiểm tra chuyên ngành nói chung chỉ làm trên giấy tờ, không có tác dụng quản lý hữu hiệu và do vậy cần giám sát chất lượng sản phẩm từ gốc chứ không phải là kiểm tra phần ngọn?

+ Hoàn toàn không phải như vậy! DN nộp hồ sơ thì kê khai các chỉ tiêu an toàn, hàm lượng phụ gia… Cơ quan chức năng sẽ xem xét, đối chiếu các quy định. Nếu không phù hợp thì hướng dẫn DN điều chỉnh nhằm đưa sản phẩm về chỉ tiêu ATTP đã được quy định.

. Chính phủ chỉ đạo cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh của DN. Bà nghĩ sao?

+ Chủ trương này của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi mong cải cách thủ tục hành chính tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN.

. Xin cám ơn bà.

Lãng phí ngân sách, làm khó doanh nghiệp

Theo Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ, trong quý I-2017 các bộ phải ban hành danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục… Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết đến nay chưa có bộ nào ban hành danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan.

Bộ Tài chính cho rằng việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho DN, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của DN; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, tăng biên chế của cơ quan quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.

Bài viết mới