Cao su là một trong số những mặt hàng chủ chốt mà Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh nhất, với mức tăng lên tới 24,4% so với cùng kỳ năm 2016 (bao gồm cả cao su tự nhiên và tổng hợp), đạt 4,45 triệu tấn.
Nếu so sánh, nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ tăng 12,2%, còn than đá tăng 14,2% và quặng sắt cũng chỉ tăng 6,7%.
Trong số những hàng hóa có giá tăng mạnh trong năm nay lý do bởi nhu cầu mạnh từ Trung Quốc thì nhập khẩu đồng thô thậm chí giảm 12,7% trong giai đoạn tháng 1-8/2017, mặc dù nhập khẩu quặng đồng và đồng tinh chế tăng nhẹ 2,8%.
Đến nay chưa có số liệu chi tiết cho tháng 8, nhưng số liệu của Hải quan Trung Quốc tính tới tháng 7 cho thấy nhập khẩu cao su tổng hợp tăng mạnh hơn so với cao su thiên nhiên.
Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,29 triệu tấn cao su tổng hợp, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2016, trong khi nhập khẩu cao su tự nhiên tăng 21,8% đạt 1,59 triệu tấn.
Vậy tại sao khách hàng cao su lớn nhất thế giới có nhu cầu nhập khẩu mạnh đến như vậy mà giá cao su tự nhiên vẫn nằm trong danh sách những mặt hàng có giá kém nhất từ đầu năm tới nay?
Cao su kỳ hạn tham chiếu trên sàn giao dịch Thượng Hải kết thúc phiên 18/9 ở mức giá 15.345 NDT (2.336 USD)/tấn, giảm 15,5% so với cuối năm 2016.
Hợp đồng tham chiếu trên sàn giao dịch Tokyo ngày 15/9 kết thúc ở mức 221,2 yen (1,98 USD)/kg, giảm 16,2% so với cuối năm ngoái. Thị trường Tokyo đóng cửa ngiao dịch trong ngày thứ Hai 18/9 để nghỉ Lễ.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao giá cao su tự nhiên sụt giảm mạnh, các chuyên gia cho biết hãy nhìn vào xu hướng nguồn cung, minh chứng là diễn biến giá trong phiên giao dịch 15/9/2017.
Các nước sản xuất cao su chủ chốt trên thế giới đã tổ chức Hội nghị Cao su Toàn cầu diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 12 đến ngày 14/9/2017. Kết quả Hội nghị là 3 nước sản xuất hàng đầu – Thái Lan, Malaysia và Indonesia – quyết định không hạn chế sản xuất mặt hàng cao su.
Và ngày ngày hôm sau, 15/9, hợp đồng cao su tại Thượng Hải giảm giá 2,8%, trong khi tại Tokyo giảm 2,9%.
Chưa dừng ở đó, cao su tiếp tục giảm giá, tới chiều 19/9 xuống mức thấp nhất 1 tháng, là 14.960 NDT (2.274 USD)/tấn tại Thượng Hải và 213,4 yen (1,19 USD)/kg tại Tokyo.
Trước đó, nhóm 3 nước sản xuất nói trên – chiếm khoảng 70% nguồn cung cấp cao su tự nhiên toàn cầu – đã rất nỗ lực nhiều năm liền trong việc kiềm chế sản lượng dư thừa, song hiệu quả được đánh giá là chỉ ở mức hạn chế. Mới đây nhất, vào tháng Hai, 3 nước cho biết sẽ giảm sản lượng tổng cộng 615.000 tấn, tương đương khoảng 6% nguồn cung toàn cầu. Thông tin này cũng chỉ có thể đẩy giá tăng lên trong một thời gian ngắn.
Tầm quan trọng của yếu tố thời tiết
Điều duy nhất tác động mạnh tới giá cao su trong thời gian này là lo ngại về triển vọng nguồn cung, chẳng hạn như vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, khi mưa lớn và lũ lụt ở nước sản xuất lớn nhất thế giới – Thái Lan – đe dọa nguồn cung.
Giá cao su trên sàn Tokyo đã tăng gần gấp đôi từ tháng 9/2016 lên mức cao kỷ lục 326,4 yen/kg vào ngày 14/2.
Nhưng xu hướng tích cực đó đã không kéo dài hơn nữa vì rõ ràng nguồn cung vẫn dồi dào, và giá cao su tại Tokyo đã giảm 44% từ tháng 2/2017 tới đầu tháng 6/2017.
Ngoài ra, giá tăng từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 7 cũng xuất phát từ sự lạc quan sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với lời hứa sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đồng thời việc giá dầu thô tăng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nỗ lực kiểm soát sản lượng cũng có tác động tích cực lên thị trường cao su.
Cao su tổng hợp là một trong những sản phẩm của dầu thô, và khi cao su tổng hợp tăng giá thì cao su tự nhiên cũng tăng theo.
Vẫn lạc quan về triển vọng giá
Mặc dù giá cao su đang giảm nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai của mặt hàng này. Đó là một trong lý do khiến các nước sản xuất chủ chốt không quyết định cắt giảm sản lượng trong Hội nghị vừa qua.
Tại Hội nghị diễn ra ở Kuala Lumpur từ ngày 12 đến ngày 14/9 vừa qua, nhiều chuyên gia cho biết, nếu các phân tích kỹ thuật chính xác, giá cao su chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần và có thể lặp lại mức cao kỷ lục của năm nay vào năm 2018.
“Giá bắt đầu có xu hướng tăng lên”, trang Theedgemarkets dẫn lời chiến lược gia trưởng của Jupiter Securities, ông Benny Lee phát biểu tại Hội nghị cho biết.
Với diễn biến tích cực của giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM), ông dự báo giá sẽ chạm mức kháng cự 278 yen/kg vào năm tới và có thể lặp lại mức trên 340 yen/kg như đã từng có trong năm nay.
Mặc dù cao su đã mất toàn bộ mức tăng của năm nay, song ông Lee cho biết giá đã không giảm nhiều như trước đây, cho thấy có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Hội nghị chỉ ra rằng nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới sẽ tăng khoảng 1,2% lên 12,38 triệu tấn trong năm nay, trong khi nguồn cung sẽ tăng khoảng 5% lên 12,88 triệu tấn.
Tổng thư ký Hiệp hội Sản xuất Cao su Tự nhiên, ông Nguyễn Đình Bích cho biết, Trung Quốc được dự báo sẽ có nhu cầu cao su tự nhiên tăng mạnh nhất trong năm 2017, trong khi Thái Lan sẽ vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất. Tính từ 2018 đến 2024, tiêu thụ cao su thế giới dự báo sẽ tăng 3,4% đến 3,7%, động lực là những thị trường mới nổi.
Malaysia, nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ 6 thế giới, dự báo sẽ trồng 50.000 héc ta cây cao su mới trong năm nay, bổ sung thêm 700 tấn cao su vào thị trường, và như vậy năm 2017 sẽ có tổng cộng 545.000 ha cao su cho thu hoạch mủ.
Mặc dù những dự báo về cung – cầu cao su thế giới này có vẻ mâu thuẫn với dự báo giá cao su tự nhiên sẽ tăng, nhưng ông Lee của tập đoàn Jupiter Securities giải thích rằng giá chủ yếu chịu tác động bởi tỷ giá đồng USD và giá dầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chatchai Sarikulya tại Hội nghị vừa qua cũng khẳng định tổ chức các nước sản xuất cao su sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng diễn biến giá để đưa ra những biện pháp khi cần thiết.
“Nếu giá giảm tới mức gây lo ngại, biện pháp (hạn chế xuất khẩu) có thể là cần thiết để đẩy giá tăng lên”, ông Chatchai khẳng định.