Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội khoá XIV, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.
Dự thảo Luật, theo phía đơn vị soạn thảo, là hướng đến một mô hình phát triển mới với những chính sách đột phá, vượt trội hơn so với trong nước, có tính cạnh tranh quốc tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển đất nước.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Huy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết dự thảo được xem là khung pháp lý quan trọng đối, làm nền tảng cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Những chính sách được đưa vào trong Luật tập trung xây dựng môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi thông qua việc mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác. Đặc khu sẽ đảm bảo cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư trong các ngành nghề cần thu hút.
Dự thảo Luật cũng đề xuất các quy định đổi mới và đơn giản hoá trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, như: thủ tục đăng ký đầu tư kinh doanh đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài…
Một số ưu thế vượt trội khác cũng được ông Đông nêu ra như việc có thể thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, cho phép giải quyết các vấn đề phát sinh tại toà án nước ngoài; giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Mặt khác, bộ máy quản lý của các đặc khu hành chính cũng có nhiều đột phá, trong đó không dựa vào trách nhiệm tập thể mà giao trách nhiệm cá nhân. Công tác tư pháp cũng hoàn toàn mới, theo ông Đông, toà án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh, có thể giải quyết tại chỗ nhiều vấn đề phát sinh.
Thuận lợi tiếp cận đất đai đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng là điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật được đưa ra lần này. Hạn sử dụng đất, theo dự thảo Luật là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà chiến lược…
Ông Đông cũng nói cụ thể hơn về tính cạnh tranh của từng đặc khu kinh tế tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với Vân Đồn, ông Đông cho biết đặc khu này có khoảng cách gần với thị trường Trung Quốc, chỉ cách 3,4 giờ bay. Đặc khu Vân Đồn đang dần dần xây dựng và hoàn thiện hệ thống sân bay để sớm đưa tiềm năng này thành hiện thực.
Phú Quốc, với diện tích trống chỉ còn khoảng 3.000 ha nhưng có lợi thế dựa vào khu vực ASEAN được ông Đông cho biết là sẽ lựa chọn các nhà đầu tư kỹ càng, tập trung vào du lịch, dịch vụ.
Đặc khu Bắc Vân Phong thì có ưu thế về cảng nước sâu, kín gió, gần ngã ba của các tuyến hang hải quốc tế quan trọng trên biển Đông, chiến lược phát triển các kênh đi qua kênh Kral… “Bắc Vân Phong phải nói là rất lợi thế so với hai đặc khu kia”, như ông Đông nói, bởi diện tích quỹ đất còn rất lớn.
Dù vậy, ông Trần Huy Đông cũng cho biết điểm khó nhất của chính sách hiện nay là Luật có đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư hay không. Tuy nhiên, như chỉ đạo của Bộ Chính trị là “cứ làm đã, thử nghiệm sau đó điều chỉnh, còn nếu không làm, không đi thì không bao giờ đến được” hay Thủ tướng trong các thông báo luôn nhấn mạnh quyết tâm phải làm, không cầu toàn… Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quan điểm cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Theo đó, chính sách đưa ra có thể cân nhắc linh hoạt, các ngành nghề kinh doanh ưu tiên phát triển sẽ do Thủ tướng điều chỉnh trong từng thời kỳ…
“Đặc khu kinh tế Jeju Hàn Quốc mà chúng ta nghiên cứu sâu trong 10 năm sửa luật 6 lần. Tức họ có chiến lược, chính sách đầu tư thay đổi dần theo thời gian. Do đó, đặc khu kinh tế Việt Nam cũng vậy, chính sách cũng có thể sửa đổi, bổ sung khi có nhà đầu tư chiến lược vào mà thấy phù hợp”, ông Đông cho biết.
“Dự thảo Luật này ra đời trước, làm khung pháp lý, còn chúng ta sẵn sàng đàm phán, sửa luật khi có nhà đầu tư chiến lược vào. Còn nếu ngay từ đầu đã đưa ra cơ chế vượt trội, thậm chí hơn cả Dubai cũng chưa chắc hấp dẫn nhà đầu tư. Chúng ta cứ phải đi đã, tạo dựng một khung pháp lý ổn định…”, Vụ trưởng Vụ Quản lý các đặc khu kinh tế nói thêm.