Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa công bố các tài liệu cuối cùng cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ niêm yết chính thức vào ngày 17/8 với giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu. Tại vùng giá này, VPBank sẽ có vốn hóa khoảng 52.000 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng cổ phần tư nhân đã niêm yết trước đó như MBB, Sacombank, ACB, Eximbank…và chỉ chịu đứng sau Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Và với 39.000 đồng/cổ phiếu cho ngày lên sàn đầu tiên, VPBank sẽ ghi nhận mức giá cao nhất của một cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán tập trung ở thời điểm này, cao hơn giá đóng cửa ngày 10/8 của Vietcombank là 1.300 đồng.
Kết thúc quý 2/2017, VPBank ghi nhận tổng tài sản gần 249.000 tỷ cùng vốn chủ sở hữu hơn 19.500 tỷ. Các chỉ số này cùng với chỉ số về dư nợ tín dụng, huy động vốn của ngân hàng chỉ lọt top 10 ngân hàng lớn nhất. Tuy nhiên xét về khả năng sinh lời thì VPBank đang ghi nhận đứng đầu bảng. Tại thời điểm cuối quý 2 năm nay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank là 28,4%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác. Có được điều này một phần nhờ ngân hàng kinh doanh thuận lợi, phần khác không thể phủ nhận là nhờ “bảo bối” Fe Credit – công ty tài chính tiêu dùng đang nắm hơn 50% thị phần ở Việt Nam.
VPBank cũng là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong nhóm cổ phần tư nhân. Trải qua 23 lần tăng vốn kể từ khi thành lập, từ 20 tỷ đồng vào năm 1993, đến nay VPBank có trên 14.000 tỷ đồng vốn điều lệ, đồng thời nắm giữ 2 công ty con, một công ty là AMC chuyên xử lý nợ và công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit với vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng.
Hệ thống nhân sự của ngân hàng khoảng 9.200 người trong đó có khoảng 14% là lao động thời vụ và thử việc, còn lại là lao động ký hợp đồng có thời hạn và không thời hạn.
Về cơ cấu cổ đông, VPBank hiện không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn. Cổ đông tổ chức trong nước nắm tổng cộng 23,48% vốn còn cổ đông cá nhân giữ 48,87%. Cổ đông ngoại của ngân hàng không có nhà đầu tư cá nhân mà có 78 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 22,34% vốn ngân hàng – đây là một thông tin đáng chú ý và lần đầu tiên được công bố. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư ngoại không được nắm quá 30% vốn ở ngân hàng nội, do đó sau khi niêm yết, nếu các cổ đông ngoại hiện hữu không muốn bán cổ phần thì room dành cho nhà đầu tư nước ngoài mới cũng không còn nhiều.
Trong số các cổ đông nội bộ, VPBank có không nhiều lãnh đạo nắm giữ cổ phần của ngân hàng. Đáng kể chỉ có ông chủ tịch Ngô Chí Dũng và người nhà nắm hơn 14,5% vốn; ông phó chủ tịch Lô Bằng Giang và người nhà cũng sở hữu tỷ lệ khoảng 13,5%, một phó chủ tịch khác là ông Bùi Hải Quân và người nhà cũng nắm tỷ lệ cổ phiếu không hề nhỏ. Sau ngày 17/8 tới đây, ban lãnh đạo VPBank cùng người nhà sẽ đóng góp không dưới 7 người lọt vào top những người giàu có nhất trên sàn chứng khoán.