Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không nên chỉ kinh doanh ở một lĩnh vực mà còn phải phát triển, mở rộng để đem lại những giải pháp trọn gói đáp ứng nhu cầu, thõa mãn người tiêu dùng hơn.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn đa ngành theo hai hướng là chiều dọc hay chiều ngang. Theo chiều dọc tức là doanh nghiệp có thể phát triển ngành mới bằng cách tích hợp ngược về phía ngành của các nhà cung cấp hoặc tích hợp xuôi về phía ngành của khách hàng trong chuỗi cung ứng. Theo chiều ngang, các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh có liên quan.
Vốn đã rất thành công trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nhưng tầm nhìn của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) chính là trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành. Vingroup muốn xây dựng thành công chuỗi sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt và nâng tầm vị thế của người Việt trên trường quốc tế. Các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái Vingroup bao gồm tất cả các nhu cầu thiết yếu của con người từ ăn uống, nhà ở, trường học, bệnh viện, cho đến hoạt động giải trí như nghỉ dưỡng, du lịch, spa,… Và mới đây nhất, Tập đoàn còn tung ra dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Hay Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) xuất phát điểm ở lĩnh vực mía đường nhưng gần đây Tập đoàn này bắt đầu lấn sân sang năng lượng sạch. Lý giải cho hướng đi mới này, ông Đặng Văn Thành – người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn cho biết mới đây Chính phủ tạm đình chỉ chính sách năng lượng hạt nhân nên cần tìm nguồn năng lượng mới thay thế. Việt Nam nằm trong khu vực cận xích đạo rất thuận lợi cho việc khai thác nguồn năng lượng sạch từ mặt trời và gió. Đầu tư năng lượng sạch có tính khả thi cao và khả năng triển khai tốt hơn thủy điện, đồng thời cũng không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Bản thân ông Thành tâm niệm đã là doanh nhân phải điều hành doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội, đồng thời đã là doanh nhân thì phải luôn tự tin, không bỏ qua khi cơ hội đến, cũng không e ngại bất cứ lĩnh vực nào bởi điều quan trọng là công tác quản trị và điều hành, khi bước vào lĩnh vực mới đã có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ. Hiện nay, TTC group đã chuyển mình từ vai trò nhà thương mại – nhà sản xuất sang nhà đầu tư đa ngành chuyên nghiệp tại 5 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục và du lịch.
Nhưng hãy cẩn thận
Tuy nhiên, nhìn lại cách đây 5 năm, rất nhiều tập đoàn lớn Nhà nước như EVN, PVN, Vinachem, Vinacomin, Vinalines… đầu tư ngoài ngành và đều tạo nên những khoản lỗ lớn buộc phải tái cơ cấu. Tính đến hiện tại, các tập đoàn lớn này vẫn đang vật lộn để dọn dẹp đống đa ngành.
Một ví dụ nổi bật, Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản nhưng cũng từng theo đuổi rất nhiều ngành nghề khác như thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sản xuất và kinh doanh nước sạch, sản xuất điện năng… Sau khi nhận ra bản thân đã khoác lên mình tấm áo quá rộng, Vinaconex trong 5 năm qua đã dần gọt bớt để trở về với lĩnh vực cốt lõi là xây lắp và bất động sản.
Đa ngành ở khía cạnh theo chiều dọc, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cũng đang “lặn, ngụm” trong giấc mộng chuỗi khép kín từ thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu của mình. Hùng Vương xuất phát điểm là chế biến cá tra Fillet đông lạnh và rất thành công trong lĩnh vực này khi được mệnh danh “vua cá tra” Việt Nam. Vốn đã có một chuỗi khép kín từ nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu nhưng để tự chủ nguồn thức ăn và nâng cao chất lượng cá tra hơn nữa, từ năm 2010, Hùng Vương quyết định đầu tư vào các đơn vị sản xuất thức ăn thủy sản. Đến năm 2013, Công ty còn nhảy qua cả con tôm khi thị trường cá tra rơi vào tình trạng trầm lắng. Chưa dừng ở đó, một trong những dự án mà Hùng Vương theo đuổi hiện nay là nuôi heo công nghệ cao với trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng, An Giang và trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng, Bình Định.
Để thực hiện chiến lược của mình, Hùng Vương nhiều năm liền mãi miết với các thương vụ M&A đình đám cả chiều dọc và chiều ngang. Những thương vụ thâu tóm đình đám của Hùng Vương có thể kể đến như CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC)… Tính đến 31/12/2016, Hùng Vương có đến 27 công ty con và liên kết lớn nhỏ trong các nhóm hoạt động chính sản xuất con giống – nuôi trồng – sản xuất thức ăn – chăn nuôi – chế biến thủy sản – chế biến phụ phẩm và xuất khẩu.
Tuy nhiên, Hùng Vương bị mắc kẹt ở chỗ quy mô phình to đi kèm với nợ nần chồng chất, tính đến 30/6/2017, Tập đoàn đang có tổng nợ 12.731 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng tài sản, trong đó có 7.202 tỷ vay ngắn hạn và 944 tỷ vay dài hạn.
Về kết quả kinh doanh, 3 quý đầu năm (niên độ 1/10 – 30/9) Hùng Vương lỗ hợp nhất 97 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 137 tỷ đồng. Nguyên nhân được đơn vị cho biết là do hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi giảm bởi không đủ nguồn cung cấp cá giống, nông dân cắt giảm sản lượng nuôi trồng. Trong khi đó, Tập đoàn vẫn phải gánh chi phí lãi vay lớn 372 tỷ đồng, tăng thêm 27 tỷ so với cùng kỳ năm trước và các chi phí quản lý, chi phí bán hàng vẫn ở mức cao.
Qua những bài học có thể thấy đa ngành như con dao hai lưỡi, nếu có một chiến lược đúng đắn và được thực hiện cẩn trọng sẽ giúp doanh nghiệp có được sức mạnh cộng hưởng từ các ngành mà mình tham gia nhưng ngược lại, sẽ là mồ chôn, triệt tiêu thành quả có được. Do vậy, mỗi doanh nghiệp khi bước vào giấc mơ khoác lên người chiếc áo đa ngành thì đều phải có chiến lược cẩn trọng, đừng để quá xa đà vào rồi quay đầu lại không kịp.