Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến hết tháng 7/2017, lợi nhuận sau thuế của toàn hệ thống các ngân hàng đã đạt 41.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Và so với giai đoạn 2012-2014 thì lợi nhuận chỉ riêng 7 tháng qua đã lớn hơn nhiều so với tổng lợi nhuận mỗi năm mà các ngân hàng tạo ra thời điểm đó.
Báo cáo tài chính gần nhất của các ngân hàng là 6 tháng đầu năm cũng cho thấy họ đang ngày càng ăn nên làm ra. Nhóm ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là những cái tên vẫn thường thấy như Vietcombank, VPBank, MB, Techcombank và nổi bật là sự góp mặt OCB – ngân hàng có quy mô tầm trung nhưng đạt hiệu quả kinh doanh quá ấn tượng trong năm 2016, 2017 – với mức gần 10%.
Hơn thế nữa, khả năng sinh lời trên vốn của nhóm ngân hàng này cũng bỏ xa các nhóm sau không phải tính theo đơn vị phần trăm mà còn tính theo đơn vị lần, so với các ngân hàng như Eximbank, MaritimeBank hay NCB…
Sự khởi sắc của các ngân hàng không phải chỉ năm nay mới xuất hiện mà đã nhen nhóm từ năm ngoái. Ngoài những cái tên đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 20% thì cũng có nhiều ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng từ gấp rưỡi đến gấp đôi thậm chí là hơn thế như VPBank (tăng 58%), Techcombank (tăng hơn 90%),… Song xứng đáng là hiện tượng tăng trưởng năm vừa rồi thì phải kể đến Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Ngân hàng tầm trung này chỉ có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 65.000 tỷ nhưng mang về lợi nhuận gần 500 tỷ – là ngân hàng dẫn đầu về vượt kế hoạch (lãi gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra), và thậm chí là lợi nhuận cũng tăng trưởng tốt nhất hệ thống nếu không tính trường hợp Eximbank vừa mới thoát khỏi vùng đáy trì trệ.
Nhờ sự bứt phá của nhóm các ngân hàng kể trên mà ROE của hệ thống năm 2016 đã đạt đến 7,87%, tăng mạnh so với mức 6,42% của năm 2015. Khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cũng cải thiện mạnh mẽ từ mức 0,46% lên 0,54%.
Trong kết quả khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2017 sẽ tốt hơn năm 2016, trong đó có đến hơn 90% các tổ chức tín dụng được khảo sát tin rằng lợi nhuận sẽ tăng trưởng dương và bình quân ở mức hai chữ số.
Giới chuyên gia cũng đánh giá rằng hoạt động của các ngân hàng trong nửa cuối năm nay sẽ khởi sắc hơn đáng kể do có nhiều yếu tố hỗ trợ, chẳng hạn như Nghị quyết số 42 về xử lý tài sản đảm bảo có hiệu lực từ 15/8 sẽ giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ xử lý nợ xấu lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng; hay việc Chính phủ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng lên tới 21%- cao hơn kế hoạch ban đầu ở mức 18%- cũng sẽ góp phần đẩy lợi nhuận đi lên bởi tín dụng vẫn đang chiếm đến 70 – 80% tổng doanh thu thuần của các nhà băng.
Song quan trọng hơn cả không phải chỉ ở con số lợi nhuận thể hiện trên báo cáo mà ở khả năng sinh lời của các ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu từng nhận xét việc tài sản của các ngân hàng ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn chất lượng, cùng với nguồn vốn có được sẽ giúp ngân hàng hoạt động lành mạnh và sinh lời tốt hơn so với giai đoạn trước.
Thực vậy, số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ mới hết 6 tháng đầu năm tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đã vượt 9,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm; vốn tự có của các ngân hàng cũng tăng gần 6,9% đạt hơn 683 nghìn tỷ đồng, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,55% trên tổng dư nợ.
Triển vọng xa hơn, theo các nhà phân tích đến từ công ty chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) thì với nền tảng hiện tại và những cơ chế về xử lý nợ xấu đã đi vào cuộc sống, những ngân hàng có tỷ lệ an toàn tài chính tốt nhờ tuân thủ trích lập dự phòng từ sớm sẽ có đà tăng trưởng rất mạnh không chỉ năm 2017 mà còn cả năm 2018.