Một số chuyên gia kinh tế cho hay: Trong bối cảnh Chính phủ muốn giảm lãi suất; đồng thời đẩy mạnh tín dụng tăng trưởng trong năm nay khoảng 21% được xem là dấu hiệu của chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này đồng nghĩa với việc kiểm soát mục tiêu lạm phát giữ ở mức 4% trong năm nay là việc làm không hề đơn giản.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng.
Đề cập tới tốc độ tăng trưởng tín dụng, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính (GSTC) Quốc gia cho biết: Trong khi cùng kỳ năm 2016, tín dụng ngoại tệ chỉ tăng trưởng ở mức 1,7%, thì 8 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng lên đến 11,5%, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ.
Mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 8 tháng đầu năm nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng 11% của tín dụng VND. Một phần của nguyên nhân trên là việc lãi suất cho vay đồng USD hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất VND.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới cuối tháng 8/2017, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn của đồng USD phổ biến ở mức 2,8 – 4,7%/năm, trong khi lãi suất cho vay VND ở mức 6 – 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên và 6,8 – 9%/năm với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Đối với kỳ hạn dài, chênh lệch lãi suất USD và VND cũng vào khoảng 4 – 5%/năm. Bên cạnh đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VND kể từ đầu năm đến nay cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.
Hơn nữa, biến động tỷ giá trung tâm được điều hành tương đối “mềm”, giúp việc dự đoán biến động tỷ giá của các đơn vị kinh doanh trở nên thuận lợi, dẫn đến nhu cầu mua USD gia tăng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh lãi suất đầu ra đã rẻ hơn trước.
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phải đưa tín dụng vào đúng lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu toàn bộ hệ thống ngân hàng cần cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, để giảm lãi suất cho vay. Hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô. Phía NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn, để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.
Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tập trung đưa tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%. Tuy nhiên, NHNN sẽ linh hoạt điều hành để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đưa thêm tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các NHTM cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, nhằm đẩy vốn vào nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngành Ngân hàng đang ghi nhận những tín hiệu thanh khoản dồi dào. Các ngân hàng vẫn đang dư thừa tiền cũng là điều kiện tương đối thuận lợi để tiến tới giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 ngày 19/7/2017, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với không chỉ các doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên, mà cho nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là động cơ cho phát triển kinh tế những năm tới cũng như để bù lại bội chi ngân sách phần nào thì có lẽ phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát không thể ở mức 4%. Ngược lại, trường hợp Chính phủ và NHNN muốn duy trì tỷ lệ lạm phát như mục tiêu đặt ra và tăng trưởng tín dụng ở mức trên 21%, kết hợp với lãi suất giảm là khá gian nan.
“Vấn đề đặt ra là chúng ta sẵn sàng giảm lãi suất để tăng trưởng, chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao hay không? Nếu chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao hơn 4% – hy sinh phần nào sự ổn định tiền đồng thì việc giảm lãi suất mới tương đối khả thi”, một chuyên gia ngân hàng nói.
Theo Uỷ ban GSTC Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2017 vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể: Áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 9,3%). Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%) trong khi áp lực từ phía phát hành trái phiếu Chính phủ cũng không còn nhiều (vì 8 tháng đầu năm đã hoàn thành 78,5% kế hoạch năm 2017). Ngoài ra, nỗ lực từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn trong việc giảm lãi suất.