Ông có thể cho biết đâu là cơ sở để phía Viện nhận định mức BHXH mới là mối quan tâm chính thay vì việc tăng/giảm lương tối thiểu – vốn là vấn đề rất được dư luận quan tâm?
Năm 2016, khi chúng tôi làm việc với VCCI cũng như các doanh nghiệp về lương tối thiểu, bản thân các doanh nghiệp đã trả lời và đánh giá mức lương này không ảnh hưởng nhiều đến chi phí của họ. Lương tối thiểu chủ yếu dùng làm căn cứ để đóng BHXH, doanh nghiệp trả lương cho người lao động thường đã cao hơn mức lương tối thiểu rồi.
Lương tối thiểu bình quân hàng năm tăng từ 7 – 10%, đều đặn và có lộ trình. Giả sử một người có mức thu nhập 10 triệu mà phải đóng bảo hiểm ở mức lương khoảng 3 triệu (tuỳ theo khu vực). Mức lương 3 triệu này nếu tăng thêm 10% do qui định tăng lương tối thiểu thì mỗi người lao động chỉ bị tăng tiền BHXH thêm trên 300 nghìn đồng mức lương tối thiểu tăng thêm. Doanh nghiệp chỉ việc điều chỉnh đóng bảo hiểm trên 300 nghìn đồng, là khoảng đóng thêm BHXH không nhiều.
Tuy nhiên, nếu áp theo mức nền mới từ năm 2018, các khoản đóng BHXH không chỉ là lương trên hợp đồng mà còn cả trên các khoản trợ cấp, phụ cấp, các khoản tính vào thu nhập (trừ 14 khoản mà Bộ Lao động vừa mới ban hành). Những thứ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí của doanh nghiệp và túi tiền của người lao động.
Cụ thể doanh nghiệp và người lao động sẽ bị tác động như thế nào?
Theo nghiên cứu của Viện thực hiện hồi tháng 8/2016, kết quả phân tích cho thấy với tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN, Quỹ Công đoàn v.v..) trên lương được quy định là 34,5% như hiện nay thì tỷ lệ trích nộp các loại bảo hiểm trên tổng thu nhập thực tế (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung) của người lao động tham gia vào khoảng 20%, trong đó người lao động đóng 6,1% và doanh nghiệp đóng 13,9%.
Khi quy định nền đóng BHXH sẽ là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung thay vì chỉ là tiền lương như hiện nay thì chi phí đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp cũng như người lao động sẽ tăng lên. Doanh nghiệp có thể giảm cầu lao động khu vực chính thức.
Theo dự báo thì tỷ lệ lao động có tham gia BHXH ở doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 1,8% trong ngắn hạn và 5,2% trong dài hạn. Số lao động mất việc ở khu vực chính thức (doanh nghiệp có thể sa thải hoặc chuyển thành lao động bán thời gian để ko phải đóng các khoản bảo hiểm) tương ứng được dự báo là 131 nghìn và 371 nghìn người.
Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng có thể bị giảm sút ít nhất là trong ngắn hạn khi mà doanh nghiệp không thể tăng được giá bán sản phẩm. Mức lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 7,6%. Tỷ lệ doanh nghiệp không có lợi nhuận giảm đáng kể từ 54,7% doanh nghiệp có lợi nhuận xuống còn 32,8% doanh nghiệp có lợi nhuận.
Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện dựa trên Luật nếu được áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay trước sự phản ứng từ giới nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra thông tư 59 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 14 khoản không tính vào thu nhập BHXH, ví dụ: tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết…
Vậy hạn chế đó là những gì thưa ông?
Có hai vấn đề lớn ở đây. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ dựa vào Thông tư, cụ thể ở đây là 14 khoản không tính vào thu nhập để tính BHXH để lách luật nhằm giảm được được phần thu nhập tính BHXH.
Tuy nhiên, 14 khoản này trên thực tế đều có hạn mức, không thể phân bổ các khoản khấu trừ này vượt quá hạn mức được. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp có giảm được mức đóng BHXH nhưng lại bị tăng chi phí. Việc lách luật cũng dẫn đến nguy cơ hoạt động doanh nghiệp không minh bạch, có thể bị xử phạt.
Tác động của việc đóng BHXH năm 2018 nếu tính đến Thông tư 59 thì sẽ như thế nào?
Với Thông tư này hiện đang khó đánh giá vì mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp trong một ngành sẽ phản ứng lại theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, ngành vận tải phải di chuyển nhiều, họ sẽ lách vào chi phí đi lại, xăng xe,…Cách hạch toán mỗi ngành khác nhau.
Tuy nhiên, theo Thông tư mới, kết quả tác động lên doanh nghiệp, người lao động sẽ thấp hơn kết quả ban đầu đưa ra. Để có con số chính xác, cần phải đợi số liệu doanh nghiệp 2018 mới tính toán được.
Nhưng có thể thấy sẽ có nhiều người lao động bị tổn tương do bị chuyển từ khu vực chính thức theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (công việc bền vững, có hợp đồng dài hạn) sang khu vực phi chính thức (hợp đồng thời vụ…) để lách luật và như vậy các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của họ không còn. Như vậy, người lao động không được bảo vệ.
Còn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động bao gồm dệt may, xây dựng, thì họ cũng khó phát triển và trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn do chí phí về lao động tăng cao.
Còn đối với Quỹ BHXH, theo ông, liệu nâng nền đóng BHXH có giải quyết được tình trạng thâm hụt Quỹ BHXH hiện nay?
Về cơ bản là không. Có thể trong ngắn hạn, Quỹ sẽ được bổ sung, nhưng để quỹ bền vững thì không làm theo cách này được. Câu chuyện Quỹ BHXH phải bàn đến không phải tăng thu mà là vấn đề quản lý quỹ.
Đầu tiên, theo tôi, không có một quốc gia nào quản lý quỹ như ở Việt Nam. Quỹ BHXH nói chung là việc Nhà nước quản lý hộ tiền của người lao động. Như vậy, người lao động có thể xem là một cổ đông của Quỹ. Họ có quyền được biết quỹ chi tiêu, đầu tư như thế nào.
Dù vậy, hiện nay Quỹ BHXH ở Việt Nam không công khai báo cáo tài chính hàng năm. Điều này không ổn. Chúng ta cần minh bạch việc sử dụng, thu chi quỹ để xem quỹ đang hoạt động có hiệu quả hay không chứ không phải cứ thiếu tiền là tăng thu.
Thứ hai, hiện cơ quan BHXH đang có một bộ máy quá khồng kềnh về nhân sự, văn phòng tới cấp huyện, với hai nhiệm vụ cơ bản: thu và trả. Các doanh nghiệp giờ đóng tiền qua tài khoản qua ngân hàng, nếu chỉ làm hai công việc đấy thì có thể giao cho ngân hàng làm, họ sẽ làm không công thậm chí trả thêm lãi suất. Hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều.
Tóm lại, câu chuyện quan trọng nhất ở đây là vấn đề quản lý .
Ông có khuyến nghị gì đối với Quỹ BHXH Việt Nam?
Ngoài hai ý tôi đã nói ở trên, tôi muốn nói thêm một số vấn đề. Thứ nhất, việc đánh một tỷ lệ cố định trên thu nhập cho mọi đối tượng của BHXH là không ổn. Một người lao động mới ra trường, lương thấp, chưa có tích luỹ tài sản và có thể phải trả các khoản vay trong quá trình đi học, mua nhà, con nhỏ, v.v.. lại bị thu bằng tỷ lệ so với một người ở độ tuổi 35 – 60, có tích luỹ, như thế không hợp lý.
Những người mới đi làm họ rất cần tiền để đáp ứng cho các nhu cầu trước mắt hơn là đầu tư cho tuổi già. Tôi cho rằng mức đóng có thể theo bậc tuổi, dưới 30 tuổi đóng BHXH ở mức thấp, từ 30 – 40 tuổi đóng cao hơn, 40 – 50 tuổi cao hơn nữa và từ 50 – 60 tuổi mức đóng giảm đi.
Thứ hai là về sự neo đậu của các loại bảo hiểm khác. Ví dụ bảo hiểm y tế (BHYT). Loại hình này đang neo trong hệ số đóng bảo hiểm chung là 4,5%. Nghĩa là một người lương 10 triệu đồng sẽ phải đóng BHYT gấp 10 lần so với người lương 1 triệu đồng trong khi sử dụng dịch vụ y tế thì được mức giống nhau. Đây là sự bất bình đẳng vì bảo hiểm không phải là thuế mà chỉ là khoản đóng để cùng chia sẻ rủi ro. Chính vì vậy, mức đóng BHYT phải giống nhau chứ không phải neo đậu ở một tỷ lệ trên thu nhập của người lao động.
Một vấn đề nữa là không nên bắt người lao động đóng BHXH theo một tỷ lệ cố định trên thu nhập của họ. Tôi đồng ý việc bắt buộc đóng BHXH, nhưng chỉ bắt buộc ở một mức đóng cơ bản để khi về già, người đóng nhận được một khoản đảm bảo họ có được một mức mức sống tối thiểu, ai muốn cao hơn mức này thì họ có quyền chọn đóng ở mức cao hơn. Người lao động cần có sự lựa chọn khác, do đó, nên có phần bắt buộc và phần tự nguyện trong việc đóng BHXH.
Cảm ơn ông!