Nếu đã từng tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, chắc chắn bạn đã biết người Nhật có một cuộc sống bận rộn thế nào. Nhịp sống ở Nhật Bản là một guồng quay không có điểm dừng với những chuyến tàu điện ngầm đông đúc, những quy tắc làm việc và ứng xử nghiêm ngặt. Thế nhưng, vượt trên tất cả, người Nhật luôn giữ được tinh thần lạc quan và thái độ sống tích cực. Đó không hẳn là do giáo dục, mà chủ yếu là bởi ý niệm sống của người Nhật đã tiếp thêm sức mạnh cho họ duy trì động lực làm việc hiệu quả. Một trong số đó chính là “Ikigai”.
Ikigai là một thuật ngữ thể hiện ý tưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Về cơ bản, ikigai là lý do tại sao bạn thức dậy vào buổi sáng. Thuật ngữ này được ghép từ iki (cuộc sống) và kai (thấy được hy vọng và kỳ vọng). Theo ikigai, cuộc sống hạnh phúc là khi có một mục đích để theo đuổi và ikigai là điều giúp bạn trông chờ, tin tưởng vào tương lai ngay cả khi bạn đang đau khổ.
Vậy làm cách nào để một người có được thứ tinh thần ikigai này?
Điều đó còn cần nhiều thời gian để suy ngẫm. Nhưng trước mắt, bạn có thể tự trả lời những câu hỏi:
Bạn đam mê điều gì?
Bạn giỏi giang trong lĩnh vực gì?
Thế giới cần gì từ bạn?
Bạn có thể kiếm tiền từ những việc gì?
Ảnh minhh họa.
Thực ra 4 câu hỏi này phù hợp với tư duy phương Tây hơn một chút. Ikigai “thuần chủng” với người Nhật sẽ không có yếu tố liên quan đến thu nhập. Vì người Nhật cho rằng, niềm vui ở quanh ta chứ không hoàn toàn xuất phát từ đồng tiền.
Thực tế là, trong một cuộc khảo sát năm 2010 trên 2.000 nam giới và phụ nữ Nhật Bản, chỉ có 31% coi công việc là ikigai. Nghĩa là, hạnh phúc của một người có thể là công việc, nhưng rõ ràng không chỉ dừng lại ở đó.
Gordon Matthew, Giáo sư nhân học tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong và cũng là tác giả cuốn sách “Cái gì làm cho cuộc sống trở nên đáng sống?: Làm thế nào để người Nhật và người Mỹ luôn tích cực” đã đưa ra quan điểm: Ikigai thực tế là ánh xạ, kết hợp giữa 2 ý niệm khác cũng của người Nhật là ittaikan và jiko jitsugen. Itaikkan đề cập đến “ý nghĩa của hành động có thể tác động đến hạnh phúc của người khác” trong khi jiko jitsugen liên quan đến việc “tự mình thực hiện”.
Như vậy, ikigai nghĩa là, động lực làm việc của một người là đem lại hạnh phúc cho người khác và bước tiến tích cực cho xã hội.
Hãy nhìn đến đảo Okinawa, nơi có rất nhiều cư dân có tuổi thọ trên 100 tuổi, không hề tồn tại khái niệm “nghỉ hưu”. Mọi người luôn vui vẻ với những mối quan hệ quanh mình, kết hợp chế độ ăn kiêng đặc biệt và tinh thần sẻ chia đáng ngạc nhiên. Với những người cao tuổi, họ cảm thấy có nghĩa vụ truyền đạt trí tuệ cho lớp trẻ. Dù tuổi cao nhưng họ vẫn cần sống cho xã hội. Đó là lý do vì sao người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Bạn cũng hoàn toàn có thể áp dụng ikigai vào cuộc sống của mình nhưng hãy nhớ, đặt mục đích vào việc mình làm. Ikigai có thể thay đổi linh hoạt theo độ tuổi, miễn là bạn cảm thấy phù hợp và có ý nghĩa cho cuộc sống.