Đối tác Viettel nhắm tới để cạnh tranh với Uber, Grab bị than phiền vì chất lượng dịch vụ

Thành lập hơn một năm trước đây nhưng đến nay Gonow mới nhận được nhiều sự chú ý từ phía cộng đồng sau khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel. Theo đó, “ông lớn” ngành viễn thông sẽ giúp startup này phát triển website và ứng dụng di động riêng, phát triển hệ thống kênh bán hàng, hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến…

Giống như Uber và Grab, Gonow cũng đóng vai trò trung gian, kết nối chủ xe với khách hàng có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, khác với hai ứng dụng ngoại, Gonow nhắm vào dịch vụ thuê xe hợp đồng với các chuyến đi tour, di chuyển giữa các tỉnh thành, đưa đón chuyên gia… Bên cạnh đó, “người chơi” mới này còn có dịch vụ cho thuê xe tự lái giao nhận tận nơi.

Đến nay, Gonow đã triển khai tại 64 tỉnh thành Việt Nam và không che giấu tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Sản phẩm mới nhận được nhiều ủng hộ từ phía khách hàng, nhân viên được nhận xét là có thái độ nhiệt tình.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tồn tại không ít lời than phiền liên quan đến vấn đề dù đã đặt vé, khách hàng vẫn không có xe di chuyển và phải tìm đến các hình thức vận tải truyền thống. Trong số 32 phản hồi khách hàng để lại trên fanpage, có 9 phản hồi ở mức 1 sao (thấp nhất), và điểm trung bình của hãng cũng chỉ dừng lại ở 3,8/5.

Một khách hàng đến sát giờ hẹn mới được thông báo hủy chuyến. Gonow đã giải thích và quyết định đưa khách hàng vào danh sách “đen” trong 1 tháng. Ảnh: Fanpage Gonow

Khách hàng chia sẻ về vấn đề chất lượng xe không như mong đợi, hãng tự ý đổi xe mà không báo trước. Đáp lại, đại diện Gonow cho biết đó đã là xe “đời mới” nhất và cũng quyết định cho khách vào danh sách “đen” trong một tháng. Ảnh: Fanpage Gonow

Một khách hàng khác chia sẻ đã đặt vé xe nhưng không được đi. Sau khi gọi điện lên tổng đài nhiều lần, vấn đề vẫn không được giải quyết. Không rõ vị khách này có bị đưa vào “Blacklist” giống như các vị khách khác hay không?! Ảnh: Fanpage Gonow.

Với một hãng mới ra đời trong thời gian ngắn, chất lượng dịch vụ còn thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu muốn tồn tại chứ chưa nói đến chuyện cạnh tranh cùng các đối thủ ngoại hay vươn tầm quốc tế, Gonow nên xem lại quy trình để có cách xử lý phù hợp, tránh cảm giác “thất vọng” không đáng có từ phía khách hàng và uy tín của hãng cũng bị ảnh hưởng.

Viettel chính thức “nhảy” vào thị trường gọi xe trực tuyến thông qua 1 đối tác thuần Việt, Uber và Grab sẽ phải dè chừng?

Bài viết mới