Ông Hồ Xuân Năng: Từ vị trí thư ký Chủ tịch Vinaconex đến khối tài sản riêng trị giá hơn 13.000 tỷ đồng

Một trong những cổ phiếu “huyền thoại” của thị trường chứng khoán Việt Nam – cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone – lại vừa đạt mức đỉnh mới trong lịch sử vào tuần qua tại 206.000 đồng. VCS đã miệt mài tăng liên tục trong hơn 2 năm qua sau khi “bán mình” cho CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikka).

Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần 15/09/2017, VCS đạt 205.000 đồng tương ứng giá trị vốn hóa thị trường là 16.400 tỷ đồng. Với mức vốn hóa này, hiện Vicostone là doanh nghiệp lớn thứ 2 tại HNX. Tổng công ty Vinaconex (VCG), doanh nghiệp đã thành lập nên Vicostone hiện cũng mới chỉ có vốn hóa hơn 9.100 tỷ đồng.

Khi nói đến Vicostone, không thể không nói đến ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT, người được coi là linh hồn của doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh đá ốp lát nhân tạo này.

Biến động giá cổ phiếu VCS trong 3 năm qua

Biến động giá cổ phiếu VCS trong 3 năm qua

Từ Giám đốc một công ty con nhỏ bé của Vinaconex…

Theo bản giới thiệu lý lịch, ông Hồ Xuân Năng vốn là một cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.

Cuối năm 2002, Nhà máy Đá ốp lát cao cấp VINACONEX được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).

Năm 2004, Bộ trưởng Bộ xây dựng ký Quyết định chuyển Nhà máy Đá ốp lát cao cấp VINACONEX thành Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp VINACONEX và năm 2005, công ty chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do VINACONEX nắm 60%.

Trong năm đó, ông Hồ Xuân Năng trở thành Giám đốc công ty và đến năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty.

Cũng trong năm này, VCS lên sàn và Vinaconex vẫn là công ty mẹ sở hữu 51% bên cạnh các cổ đông như Vietnam Holding (5%) và CTCP Đầu tư IPA (5%). Sau đó, Vinaconex thoái vốn dần và đến năm 2013 thì thoái hết hoàn toàn.

Thay cho phần của cổ đông sáng lập Vinaconex là sự có mặt của các quỹ đầu tư lớn, trong đó có thể nói Red River Holding là đối tượng “khó nhằn” nhất của ông Hồ Xuân Năng. Trong các cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên, cổ đông luôn được chứng kiến những tranh cãi nảy lửa giữa ông Năng và đại diện quỹ đầu tư này về mọi tờ trình mà HĐQT đưa ra.

“Cuộc chiến” kết thúc khi vị Chủ tịch HĐQT của công ty thực hiện thương vụ M&A “thần sầu” với CTCP Phượng Hoàng Xanh Phenikaa. Red River Holding rời khỏi Vicostone và doanh nghiệp này bất ngờ chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu.

Lợi nhuận tăng trưởng cao trong những năm gần đây là động lực giúp cổ phiếu VCS liên tục lập đỉnh mới

Lợi nhuận tăng trưởng cao trong những năm gần đây là động lực giúp cổ phiếu VCS liên tục lập đỉnh mới

… đến vị Chủ tịch giữ khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo số liệu công bố chính thức, ông Năng đang sở hữu 2.017.897 cổ phiếu VCS, tương đương 2,52% vốn điều lệ.

Thông qua công ty Phenikaa, ông Năng còn gián tiếp kiểm soát 76,7% cổ phần của Vicostone, tương ứng hơn 61,3 triệu cổ phiếu. Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó, ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông Năng, bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9%.

Do đó, nếu tính cả lượng cổ phiếu VCS do Phenikaa nắm giữ, ông Hồ Xuân Năng sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 63 triệu cổ phiếu VCS trị giá gần 13.000 tỷ đồng. Khối tài sản này gần tương đương với giá trị lượng cổ phiếu của chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (14.100 tỷ) và sẽ đưa ông Năng trở thành người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nhân sở hữu gián tiếp qua một công ty riêng thì việc chỉ tính toán tài sản dựa trên số cổ phiếu trực tiếp đứng tên sẽ không phản ánh được đầy đủ khối tài sản của họ. Hiện tại, phần lớn số cổ phần của ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Duy Hưng – chủ tịch SSI, ông Lê Phước Vũ – chủ tịch Hoa Sen Group… đều được chuyển sang công ty riêng nắm giữ.

Tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone đã thông việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) mà nguyên nhân dẫn đến quyết định tái cơ cấu trên là Vicostone đang bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, mạnh.

Cuối tháng 8/2014, Phenikaa đã hoàn tất việc mua 58% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của Vicostone. Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.

Theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng công bố sở hữu 90% vốn điều lệ của Phenikaa.

Với động thái trên, ông Năng đã trở thành người nắm quyền kiểm soát đối với cả Phenikaa lẫn Vicostone.

Sau khi trở thành công ty con của Phượng Hoàng Xanh, HĐQT của VCS cũng đã lên phương án chuyển nhượng nhãn hiệu Vicostone và chuyển nhượng dự án Nhà ở cho CBCNV Vicostone cho công ty mẹ.

Phenikaa thâu tóm Vicostone: Động thái bất ngờ từ ông Hồ Xuân Năng

Bài viết mới