Cơn bão đi qua, cả rừng cao su đang ở tuổi khai thác mủ như bị trận bom lớn dội xuống.
Rừng cao su ở xã Tây Trạch bị gãy đổ
Vợ chồng ông Lê Hồng Sơn, 62 tuổi, ở thôn 3 – Võ Thuận, lên rừng cao su từ rạng sáng. Ông đi khắp rừng rồi vào nhà nói tình hình cây cao su bị gãy đổ cho vợ nghe rồi tìm cây rựa lớn vác ra rừng. Bà Thuận vợ ông chụp vội cái nón mê chạy theo. Đến bên mấy cây cao su lớn bị vật đổ nằm gác chéo lên nhau, ông lựa thế để chặt. Bà Thuận nói như van: “Răng chặt rứa ông. Cứ để cho nó hồi phục lại chớ”.
Ông an ủi vợ: “Đổ hết rồi, chừ phải chặt thôi”. Nói rồi, ông vung rựa. “Choác, chóa… roác”, tiếng rựa phập vào thân cây, tiếng cành cây gãy như xiết vào lòng. Bà Thuận không dám nhìn ông chặt mà ngồi lên một thân cây, nhìn ra chỗ khác. Rồi như không chịu được, bà kéo vội chiếc nón xuống che mặt để cho chúng tôi không nhìn thấy nước mắt lăn xuống trên khuôn mặt sạm đen.
Rừng cao su của gia đình ông Sơn rộng hơn 5ha. Có 4ha rừng trồng đã lâu năm và 1ha mới đưa vào khai thác. Rừng già hay rừng non đều bị bão đánh tan hoang. Dừng tay rựa, ông Sơn cho hay, rừng cao su đã qua được trận bão lớn năm 2008, vượt qua được bão năm 2013. Nhưng đến trận bão năm nay thì gục ngã hoàn toàn.
Cắt ngọn cây cao su bị gãy
Cách con đường xuyên tuyến, phía bên đối diện là vạt rừng rộng hơn 2ha của anh Dương Đức Phiệt (ở thôn 2). Bão tan, nghe tin rừng cao su bị gãy đổ hết, anh Phiệt không dám lên để xem. Bão năm 2013, anh Phiệt đã chứng kiến rừng cao su của người ta bị bão tàn phá nên cũng đã in đậm rồi. Năm đó, cao su nhà anh còn nhỏ nên chỉ bị rạp xiêu. Cả nhà huy động thêm người bà con chống dựng cây lên rồi chăm sóc. Gần 4 năm qua, cây cao su vượt lên và cho khai thác được gần năm nay. Sáng nay, anh mới lên rừng. Đứng dưới gốc cây cao su gãy gập, phía sau là cả vạt rừng đổ gãy, anh Phiệt bần thần: Cả rừng cao su chẳng khác một bình địa.
Trời đứng gió, khắp vùng rừng cao su Võ Thuận chỉ nghe tiếng cưa máy rít lên lúc xoen xoét, lúc nghèn nghẹn. Lẫn trong tiếng cưa là tiếng rựa chặt cây chát chúa.
Vạt rừng cao su của gia đình anh Dương Công Bằng rộng hơn 2ha, được đưa vào lấy mủ gần hai năm. Mỗi ngày cạo cũng đem về cho gia đình hơn triệu bạc, bây giờ, rừng cơ bản đã gục.
Cây cao lớn cũng bị bão quật đổ
Rời Tây Trạch, chúng tôi rẽ qua xã Hoàn Trạch rồi ngược lên xã Phú Định. Đi qua những vùng rừng cao su đều thấy cảnh tượng hoang tàn.
Anh Nguyễn Văn Đồng (xã Phú Định) có vườn cao su gần 2ha với khoảng 1.000 cây đã đưa vào khai thác. Sau bão, đếm lại, cây còn nguyên vẹn chỉ còn gần 300 cây. Anh Đồng cho hay: “Bây giờ chỉ có bán củi thôi. Còn lại mấy trăm cây cũng không thể để lại được vì cây nằm rải rác, có cạo mủ cũng lỗ công”.
Dựng lại cây cao su bị đổ hy vọng còn vớt vát Ông Dương Văn Khánh – Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, cho hay: “Toàn xã có 1.100ha cao su và cơ bản đã đưa vào khai thác. Hiện, mỗi ngày trung bình mỗi ha cao su cho thu nhập 500 ngàn đồng. Như vậy, mỗi ngày, người dân Tây Trạch có thu nhập trên 500 triệu đồng. Chúng tôi cũng đang phấn đấu vào cuối năm nay sẽ cán đích xây dựng NTM. Nhưng bây giờ gặp khó khăn rồi”.