Kiến nghị chưa đánh thuế lãi vay vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu

Mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo quy định mới về “vốn mỏng” khi xác định các khoản chi không được trừ .

Cụ thể, Khoản 4, Điều 3, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung điểm q vào khoản 2 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại.

Riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó.

Theo Bộ Tài chính, thực tế nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.

“Qua xem báo cáo tài chính cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp phần lớn do chi phí tài chính bao gồm chi phí trả tiền lãi vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm”, Bộ Tài chính cho biết.

Nêu quan điểm về dự thảo của Bộ Tài chính, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế – Deloitte Việt Nam cho biết, trên góc độ về thuế, hiện tại có rất nhiều các quy định về chi phí lãi vay không được trừ chồng chéo, việc quy định thêm chi phí lãi vay không được trừ này sẽ dẫn tới trường hợp các doanh nghiệp vi phạm hai trong ba quy định sẽ gặp khó khăn khi xác định chi phí không được trừ.

Cũng theo ông Tuấn, trên góc độ về kinh tế, hình thức sử dụng vốn vay là một trong các phương pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận cho chủ đầu tư, việc khống chế tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu sẽ có thể hạn chế/cản trở sự phát triển nền kinh tế, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

“Cơ sở để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay để khống chế chi phí lãi vay mới chỉ xem xét trên bình diện chung, chưa phân tích dựa trên đặc thù kinh doanh từng ngành/lĩnh vực, do đó, nếu đưa vào áp dụng quy định này, trong thực tiễn triển khai có thể sẽ phát sinh bất cập đối với một số ngành”, ông Tuấn nói.

Theo đó, vị đại diện của Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đề xuất tạm thời chưa bổ sung quy định về vốn mỏng vào Dự thảo Luật lần này để tránh sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Phía đại diện Công ty Ernst & Young Vietnam cho biết, ngoài quy định về lãi vay tương ứng với tỷ lệ vốn chủ sở hữu với vốn vay, chi phí lãi vay còn bị khống chế bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cụ thể, chi phí lãi vay cửa các doanh nghiệp có giao dịch với bên liên kết không được vượt quá 20% EBITDA.

“Quy định này gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn tạm thời phải huy động vốn từ các nguồn bên ngoài, trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản…”, bà Nguyễn Thu Trang, đại diện EY nói.

Do đó, bà Trang đề xuất phần chi phí lãi vay không đủ điều kiện khấu trừ sẽ được kết chuyển sang những năm sau trong thời gian là 5 năm, tương tự như chuyển lỗ. Đến năm thỏa mãn điều kiện thì có để được ghi nhận tăng chi phí thuế. Theo đó sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc huy động vốn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp vì đây là khoản chi phí thực sự của doanh nghiệp và phù hợp với khuyến nghị trong Action 4 BEPS.

Vốn chủ sở hữu của BIDV tăng lên 34.187 tỷ đồng

Bài viết mới