Cuộc ‘hồi sinh’ của Trà bí đao Wonderfarm và tầm nhìn xa của người Nhật trong câu chuyện đi thuê đất bỏ không 5 năm ở Trung Quốc

Là quốc gia đứng thứ 2 về lượng vốn đầu tư trực tiếp ngước ngoài vào Việt Nam, người Nhật trong những năm gần đây không chỉ rót vốn vào các lĩnh vực công nghiệp hay xây dựng mà cũng xuất hiện nhiều hơn những khoản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hay chế biến thực phẩm, đồ uống…

Điển hình như thương vụ Suntory Holdings Limited – một công ty nước giải khát và nước uống bổ dưỡng toàn cầu có trụ sở tại Nhật Bản đã thiết lập liên doanh chiến lược với Pepsico tại Việt Nam thông qua đầu tư 51% vốn vào liên minh Suntory PepsiCo hồi năm 2012 được công chúng biết đến rất rộng rãi.

Tuy nhiên, trước khi khi thương vụ này diễn ra ít lâu, ít người biết rằng, một ông lớn khác trong ngành của Nhật Bản cũng đã đặt những dấu chân đầu tiên của mình tại Việt Nam.

Tháng 5 năm 2011, Kirin Holdings – Tập đoàn kinh doanh chính trong ngành thực phẩm, đồ uống, dược phẩm và sinh hóa đến từ Nhật Bản đã bất ngờ mua lại toàn bộ 57,25% cổ phần của Trade Ocean Holdings tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế hay còn gọi tắt là Interfood (IFS).

Dù muốn mở rộng kinh doanh và muốn khoản đầu tư này giúp Tập đoàn Nhật Bán có thể tăng cường sự hiện diện tại Châu Á. Thế nhưng, đây có thể được coi là thương vụ có phần táo bạo của Kirin Holdings. Bởi khi đó, IFS gần như tê liệt hoàn toàn sau những hệ quả nặng nề từ sự kiện 12 mẫu bánh quy có nhiễm chất Melamine của IFS năm 2008.

Hoạt động kinh doanh IFS có tín hiệu phục hồi từ năm 2016, sau 5 năm miệt mài tái cấu trúc

Hoạt động kinh doanh IFS có tín hiệu phục hồi từ năm 2016, sau 5 năm miệt mài tái cấu trúc

Năm 2010, IFS chính thức rơi vào tình trạng tài chính kiệt quệ, nợ phải trả gần bằng tổng tài sản. Khi đó, cổ đông lớn nhất từ Malaysia đã quyết định rút lui, để lại một doanh nghiệp ngập trong nợ nần, kinh doanh thua lỗ và chiến lược kinh doanh đã bị bẻ gãy do thiếu vốn cho những người Nhật tiếp quản.

Những tưởng, đây là một thương vụ ngốc nghếch của những người Nhật khi chứng kiến IFS tiếp tục lỗ, từ mức lỗ lũy kế 266 tỷ đồng vào năm 2011 đã tăng lên gần 853 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Thế nhưng, cho đến hôm nay, những người Nhật ở IFS thấp thoáng bóng dáng của những người nhật trong câu chuyện “Miếng đất bỏ không 5 năm và sự “ngốc nghếch” của người Nhật Bản”

Tầm nhìn xa và cái “Nhẫn” của Nhật Bản

Việc đầu tư vào một DN đứng trên bờ vực phá sản như Interfood là một việc hết sức khó khăn và mạo hiểm. Tuy nhiên, có vẻ như những người Nhật từ Kirin Holdings đã toan liệu điều đó. Cuộc họp lần đầu diễn ra năm 2011, đại diện Kirin Holdings đã tuyên bố sẽ cần đến 5 năm để ‘hồi sinh’ IFS.

Với con số nợ phải trả lên đến 618 tỷ đồng (chủ yếu là nợ vay với lãi suất cao) chiếm gần 90% tổng tài sản vào năm 2011. Công việc đầu tiên của người Nhật ở IFS là cơ cấu lại nợ. Trong năm 2013, Kirin Holdings đã bơm 210 tỷ đồng vào IFS thông qua việc mua 21 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ với mức giá bằng mệnh giá và tăng gấp đôi vốn IFS 501 tỷ đồng. Cùng với một loạt giải pháp cơ cấu khác thì đến cuối năm 2013, các khoản nợ vay đã được ‘làm sạch’ hoàn toàn.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, IFS cần một nguồn vốn mới đủ để công ty thực thi các chiến lược kinh doanh. Trong vòng 2 năm 2014-2015, Kirin Holdings nâng sở hữu lên gần 96% vốn cổ phần tại IFS thông qua việc góp vốn qua 2 đợt phát hành riêng lẻ. Vốn cổ phần tại IFS được tăng lên 871 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Kirin Holdings cũng hỗ trợ tài chính cho IFS bằng các khoản vay nội bộ không tài sản thế chấp với lãi suất thấp.

Giải quyết xong vấn đề về tài chính, IFS mới yên tâm sản xuất. Trong năm 2013, Công ty đã tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, giảm sản xuất các sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh và tập trung vào xây dựng 3 dòng sản phẩm chủ lực là Trà bí đao, Nước Yến, nhãn hàng Kirin.

Bên cạnh việc phục hưng thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm, các sản phẩm mới của IFS từ Kirin như Tea Break, Cola tăng lực Rising, Ice +, Latte đã chính thức được sản xuất tại thị trường Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản.

Song song đó, chiến lược quảng bá thương hiệu cũng trở nên rầm rộ hơn. Bằng chứng là chi phí bán hàng từ mức 10% doanh số đã tăng vọt lên trên 40% trong 2 năm 2013-2014. Điều này đã giúp doanh số IFS tăng trưởng trở lại. Năm 2016, dù chỉ có được mức lợi nhuận còn khiêm tốn, nhưng hầu hết các chỉ số kinh doanh đều cho thấy một giai đoạn mới đang bắt đầu.

Sau 5 năm tập trung tái cơ cấu, giá vốn đã ở mức thấp hơn giúp biên lợi nhuận cao hơn, Công ty cũng không còn phải chi nhiều cho quảng cáo như 2-3 năm trước. Trong khi đó, chi phí quản lý và chi phí lãi vay đang ngày càng tiệm cận về mức tối thiểu.

Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay như một sự khẳng định thời kỳ đen tối của IFS đã chấm dứt. Với doanh thu thuần tiếp tục có mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2016, cộng với tỷ lệ lãi gộp cao nhất trong lịch sử, IFS ghi nhận mức lãi ròng 56,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 8 lần cùng kỳ năm trước.

Năng lực cạnh tranh của IFS đang được cải thiện

Năng lực cạnh tranh của IFS đang được cải thiện

Năm 2016, IFS trở lại sản chứng khoán với mức giá tham chiếu chỉ 3.000 đồng/cổ phần, nhưng sau đó nhanh chóng tăng lên trên 8.000 đồng/cổ phiếu. Từ một doanh nghiệp rơi vào vũng lầy và ngấp nghé bờ vực phá sản, Interfood đã chính thức hồi sinh.

Chấp nhận bỏ ra 5 năm, miệt mài với công cuộc tái thiết mà không hề cho thấy sự nao núng, kiên định, đó là cách người Nhật đang phục hưng doanh nghiệp từng nổi danh trong ngành nước giải khát mang thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm.

Miếng đất bỏ không 5 năm và sự “ngốc nghếch” của người Nhật Bản

Bài viết mới