Trực giác được hiểu theo hai cách. Và cả hai cách đều đúng. Nhưng xét về chức năng của não bộ thì chúng hoàn toàn khác nhau.
Sáng tạo, “giác ngộ” và đỏng đảnh, phản trắc!
Trực giác có thể được dùng với ý nghĩa về một nhận thức nào đó bất ngờ xuất hiện. Điều đó có nghĩa là một việc đang được nhìn nhận theo một cách nào đó bất thình lình lại được nhìn nhận dưới một lối tư duy khác. Trực giác, hiểu theo cách ấy, chính là sự sáng tạo, là những khám phá khoa học hoặc một bước nhảy có tính đột phá.
Trực giác còn có một nghĩa khác, nó ám chỉ một nhận thức tức thì hay sự “giác ngộ” trong một tình huống nào đó. Đó là kết quả của một sự phán đoán phức tạp dựa trên cơ sở kinh nghiệm – sự phán đoán này không thể lý giải rõ ràng và cũng khó mà diễn đạt bằng ngôn từ.
Trực giác có thể hiểu là nhận thức nào đó bất ngờ xuất hiện hoặc sự “giác ngộ” trong một tình huống nào đó.
Khi bạn nhận ra ai đó trên xe buýt là người quen của mình thì sự nhận thức ấy xuất hiện tức thì thông qua việc phán đoán phức tạp dựa trên nhiều yếu tố.
… Tôi có linh cảm rằng chiếc xe hơi chạy bằng điện này sẽ không thể bán được.
Một dự đoán như thế có thể dựa trên những thông tin về thị trường, kinh nghiệm có được với những sản phẩm tương tự và vốn hiểu biết về những quyết định mua bán với mức giá tương tự.
Trực giác, linh cảm và cảm giác có mối quan hệ gần gũi với nhau. Linh cảm là một giả thuyết dựa trên trực giác, trong khi đó cảm giác xuất phát từ những cảm nhận mang tính thẩm mỹ (hầu như là một vấn đề thuộc thị hiếu cá nhân) cho đến các dạng cảm nhận có tính phán xét.
… Tôi có cảm giác anh ấy sẽ quay lại khi nghe thấy những tiếng lạo xạo.
… Tôi có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng tấm vé xe buýt ấy là dấu vết quan trọng nhất mà chúng ta có được trong cuộc điều tra về vụ giết người này.
Những người có thành tựu trong nghiên cứu khoa học, trong kinh doanh hoặc những người thành công nói chung đều có năng lực cảm nhận đúng trong các tình huống.
Trong lĩnh vực kinh doanh, ta nói anh ta hay chị ta sở hữu “chiếc mũ ngửi thấy hơi tiền”. Đó là cách nói ví von rằng, lợi nhuận không nổi lên bề mặt để ai ai cũng thấy mà chỉ có những người có thiên hướng đặc biệt trong kinh doanh mới nhận ra và biến chúng thành hiện thực.
Tuy vậy, trực giác đâu phải là cái gì hoàn hảo và vững như thạch bàn. Trong cờ bạc, nó nổi tiếng là đỏng đảnh và phản trắc.
Khi màu đỏ xuất hiện đến tám lần trong trò chơi bài ru-let thì trực giác lên tiếng mách bảo rằng lần tới sẽ là màu đen. Thế nhưng điều kỳ quặc vẫn mãi là những điều kỳ quặc. Chiếc bàn xoay chẳng có ký ức gì hết.
Trực giác có thể mách bảo con đường thành công cho bạn.
Vậy chúng ta xử lý như thế nào với linh cảm và cảm giác?
Chúng ta có thể phân tích những lý do đằng sau những cảm nhận trực giác, nhưng có vẻ như việc đó sẽ chẳng dẫn đến đâu. Nếu không thể lý giải các nguyên nhân thì làm sao có thể tin tưởng vào chúng được?
Thật khó có thể đưa ra một quyết định đầu tư lớn nếu chỉ dựa vào sự mách bảo của trực giác. Vì thế, tốt nhất hãy coi nó như một phần trong tấm bản đồ chỉ đường.
Trực giác cũng có thể được coi như một nhà tư vấn. Nếu người này đáng tin cậy trong quá khứ thì chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến lời khuyên của ông ta. Nếu trực giác từng đúng trong nhiều trường hợp thì chúng ta có khuynh hướng lắng nghe nó nhiều hơn.
… Tất cả các lý lẽ đều chống lại việc hạ giá sản phẩm, nhưng trực giác nói với tôi rằng đó là cách duy nhất để chiếm lại thị phần.
Một nhà kinh doanh bất động sản dày dặn kinh nghiệm trên thương trường sẽ có “độ nhạy” trong cảm nhận về những biến động trong thị trường bất động sản.
Những kinh nghiệm tích cóp được trong bao năm qua trở thành một thứ gần như là trực giác mách bảo ông ta phi vụ nào thì nên tiến hành ngay, còn vụ nào thì nên rút lui sớm.
Trực giác được tôi rèn trong lĩnh vực bất động sản có thể rất đáng quý vì nó bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế. Nhưng trực giác của nhà kinh doanh bất động sản có thể chẳng có ích lợi gì khi áp dụng vào những lĩnh vực khác, như bầu cử tổng thống chẳng hạn.
Trực giác là một năng lực “có thắng có thua”, và tất nhiên, không phải bao giờ nó cũng đúng, trong trường hợp nó nói đúng nhiều hơn thì nhìn chung có thể đánh giá là tích cực.
Sẽ là nguy hiểm nếu coi trực giác là một sức mạnh siêu nhiên bền vững và màu nhiệm. Trực giác, suy cho cùng, chỉ là một phần của quá trình tư duy. Chúng có thực và có những đóng góp rất đáng kể.
… Anh có thể nói cho chúng tôi biết chiếc mũ đỏ của anh có dự cảm gì về việc liên doanh này?
… Chiếc mũ đỏ của tôi cảm thấy giá nhà đất sẽ lại tăng nhanh trong thời gian tới.
… Hãy cho biết anh có cảm nghĩ gì về chiến dịch quảng cáo mới của chúng ta?
Nội dung trên được trích từ cuốn sách ” 6 chiếc mũ tư duy ” của Edward de Bono, tác giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư duy khái niệm kiêm bác sĩ, chuyên gia tâm lý học người Malta. Sách do Công ty Cổ phần sách Alpha và và NXB Thế giới phát hành.
Cuốn sách hướng dẫn cách thức tư duy hiệu quả, nhanh chóng hơn nhờ lối tư duy song song với 6 chiếc mũ ẩn dụ: những thông tin mang tính khách quan (mũ trắng), cảm giác và xúc cảm (mũ đỏ), cảnh giác và thận trọng (mũ đen), dự kiến tích cực (mũ vàng), sự sáng tạo (mũ xanh lục), kiểm soát hoạt động tư duy (xanh lam).
Sau khi ra mắt không lâu, tư duy song song bằng phương pháp tư duy 6 chiếc mũ đã nhanh chóng thay thế cho cách thức tư duy tranh luận trên toàn thế giới, từ những quản trị viên cao cấp của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Siemens, NTT, Prudential (US) cho đến những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường; từ những ngôi làng tại Campuchia cho đến những quan chức chính phủ cao cấp.