Sau ba tháng bị láng giềng vùng Vịnh cô lập, Qatar bắt đầu nếm trải “vị đắng” của thiệt hại kinh tế mà cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ này mang lại.
Trang CNN Money dẫn một báo cáo của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services cho hay, chỉ trong tháng 6 và tháng 7, quốc gia nhỏ bé giàu tài nguyên khí đốt đã “đốt” 38,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ giữa Doha với các nước láng giềng sẽ sớm được nối lại.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng căng thẳng sẽ tiếp diễn, thậm chí có thể leo thang”, Moody’s nhận định. “Mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn là chưa từng có tiền lệ”.
Vào hôm 5/6, bốn nước gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và toàn bộ giao thông, thương mại với Qatar. Động thái này dựa trên cáo buộc cho rằng Qatar hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố – một cáo buộc mà nước này một mực phủ nhận.
Trước đây, Qatar chủ yếu nhập khẩu hàng hóa từ Saudi Arabia và UAE. Hai nước này chiếm 1/3 nguồn cung lương thực-thực phẩm của Qatar. Ngoài ra, Qatar cũng nhập khẩu phần lớn vật liệu xây dựng từ hai nước.
Sau khi bị cô lập, Qatar phải chuyển sang những nguồn cung cấp khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và phải trả nhiều hơn để mua các loại thực phẩm và thuốc men.
Cuộc khủng hoảng đã gây sức ép lớn đối với đồng nội tệ của Qatar, khiến nước này buộc phải rút dự trữ ngoại hối để giữ tỷ giá đồng Riyal so với đồng USD.
“Tỷ giá hối đoái đồng Riyal biến động mạnh hơn nhiều kể từ tháng 6”, nhà phân tích Alexander Kuptsikevich thuộc FxPro cho biết. “Cuộc khủng hoảng ngoại giao tiếp diễn đã gây hoài nghi về khả năng Doha có thể trụ vững trong tình trạng như hiện nay trong thời gian tới”.
Trong tháng 6 và tháng 7, Qatar cũng phải bơm tiền vào các ngân hàng để bù đắp cho lượng vốn lớn mà giới đầu tư rút khỏi nước này. Moody’s ước tính khoảng 30 tỷ USD đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Qatar trong 2 tháng, và cho rằng vốn tiếp tục chảy khỏi Qatar sau đó.
Mặc dù vậy, Qatar vẫn sở hữu một dự trữ ngoại hối lớn nhờ tài nguyên năng lượng dồi dào. Nước này là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu toàn cầu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là ba trong số những khách hàng lớn nhất nhập khẩu khí đốt từ Qatar.
Hồi tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar, ông Abdullah Saud Al-Thani, nói rằng với dự trữ ngoại hối lớn, nước này không ngại trừng phạt. Theo tiết lộ của ông Al-Thani với hãng tin CNBC, nước này có 40 tỷ USD tiền mặt dự trữ, chưa tính vàng, và 300 tỷ USD dự trữ là những tài sản có độ thanh khoản cao.
“Nguy cơ leo thang căng thẳng vẫn còn đó, nhưng nguy cơ này có thể được giảm bớt bởi Qatar có một mạng lưới liên minh và tầm quan trọng của họ trên thị trường khí hóa lỏng toàn cầu”, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch nhận định trong một báo cáo vào cuối tháng trước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không tỏ ra lo ngại về tình hình Qatar. Sau một chuyến thăm của phái đoàn IMF tới Doha vào tháng 8, định chế này nói Qatar đang “thích ứng với cú sốc” và hệ thống ngân hàng của nước này “vẫn ổn, với chất lượng tài sản cao và mức vốn mạnh”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng kéo dài vẫn là điều khiến giới quan sát lo ngại. “Trong dài hạn, mâu thuẫn ngoại giao này có thể xói mòn niềm tin, làm suy giảm đầu tư và tăng trưởng, cả ở Qatar và thậm chí là các nước khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”, báo cáo của IMF cảnh báo.