Luật sư: Nếu Nguyễn Xuân Sơn tham ô thì Hà Văn Thắm bị lừa chứ không thể đồng phạm

Sáng nay (15/9), tại phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm, LS. Nguyễn Huy Thiệp đã nêu các luận điểm bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank liên quan hai tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 14/9, VKSND Tối cao đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn 16-18 năm về tội Cố ý làm trái, án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm, án tử hình về tội Tham ô. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm bị đề nghị phạt 19-20 năm tù về tội Cố ý làm trái, 18-20 năm tù do vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm, tù chung thân do Tham ô. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Mở đầu cho phần bào chữa sáng nay, Luật sư Thiệp bày tỏ cảm nghĩ của mình khi nghe đại diện VKS đề nghị mức án cho các bị cáo, theo ông đó là cảm giác ngỡ ngàng bởi lẽ với tình trạng chứng cứ trong hồ sơ, diễn biến phiên tòa mà VKS lại đưa ra mức án cao nhất đối với các bị cáo và mức chung thân đối với Hà Văn Thắm. Luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng cần xem xét kỹ trước khi luận tội để tránh sự vội vàng và oan uổng cho bị cáo.

“Chỉ có người điên mới đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt”

Theo cáo trạng số 35 ngày 19/7/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phạm tội tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì Nguyễn Xuân Sơn đã nhận hơn 246 tỷ đồng (trong đó có 69 tỷ thông qua BSC) để chi chăm sóc khách hàng nhóm PVN nhằm huy động tiền gửi và Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt. Bị cáo Hà Văn Thắm bị truy tố về hai tội danh này cùng Nguyễn Xuân Sơn với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn.

Luật sư nói rằng nếu Sơn không phạm tội thì Thắm cũng không phạm tội nên cho rằng bào chữa cho Sơn thì cũng là bào chữa Thắm.

Theo bổ sung của luật sư Thiệp, VKS đề nghị án chung thân và tử hình với Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn là có phần vội vàng và thiếu căn cứ pháp lý.

Về khoản tiền 49 tỷ, theo luật sư, nguồn gốc phát sinh số tiền nói trên phải được xem xét kỹ chứ không chỉ là phép tính số học. Thậm chí PVN được xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án này cũng không xác định được mức bồi thường và cũng không có đơn đòi bồi thường, PVN chỉ yêu cầu bồi thường căn cứ vào cơ quan điều tra và phán xét của HĐXX.

PVN có bị chiếm đoạt, PVN có mất số tiền này không? Hồ sơ cho thấy không thấy có căn chứ chứng tỏ PVN bị mất số tiền này, không xác định đây là tiền gì?

Luật sư chỉ ra việc chi chăm sóc khách hàng nhằm huy động tiền gửi/huy động vốn là chủ trương chung, không chỉ riêng nhóm PVN. Việc chỉ đạo chăm sóc khách hàng là tình thế bắt buộc tại thời điểm đó. Thắm phải chi tiền cho Sơn để Sơn chủ động chi chăm sóc nhóm khách hàng PVN được kết luận điều tra bổ sung xác định: “Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế của PVN, lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank và nguồn tiền huy động được từ PVN”. Đồng thời kết luận điều tra cũng ghi nhận “Hà Văn Thắm chỉ thỏa thuận với bị can Nguyễn Xuân Sơn về việc Oceanbank chi tiền cho Sơn để Sơn sử dụng chi lãi ngoài cho KH khi huy động vốn…việc Sơn sử dụng chiếm đoạt cá nhân thì Thắm không biết”.

“Kết luận cơ quan điều tra như vậy, rõ ràng đã kết luận Thắm không biết việc Sơn chiếm đoạt. Mà không biết thì sao đồng tình? Làm sao chung ý được? Vì biết ý chí của Sơn thế nào mà chung ý chí? Rõ ràng với Kết luận điều tra đã xác định Thắm bị Sơn lợi dụng và có thể nói bị lừa dối nếu Sơn có chiếm đoạt tiền”, luật sư Thiệp nói.

Mặt khác, Thắm đồng tình giao tiền cho Sơn để chi lãi ngoài cho nhóm PVN theo đề nghị của Sơn nhằm huy động tiền gửi. Nếu Sơn không chi cho khách hàng gửi tiền mà chiếm đoạt là Sơn đã lừa dối Thắm, mà người bị lừa dối không thể đồng phạm với người lừa dối mình. Hơn nữa, Thắm không được hưởng lợi gì từ việc để Sơn chiếm đoạt số tiền này (nếu có), ngược lại, nếu tiền chi chăm sóc khách hàng không đến với họ thì đương nhiên KH không gửi tiền vào Oceanbank, thậm chí sẽ rút tiền đã gửi để gửi sang ngân hàng khác, mà như vậy lại gây thiệt hại cho chính Thắm vì Thắm sở hữu tới 62,97% cổ phần.

“Làm gì có ai tự đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt. Chỉ có người điên mới tự đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt” – luật sư nói.

Theo luật sư Thiệp, không đủ căn cứ cũng như cơ sở để xác định Thắm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt 246 tỷ này.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Nếu có thiệt hại cho BSC thì là thiệt hại cho Hà Văn Thắm

Luật sư nhấn mạnh khái niệm thế nào là sân sau, mối quan hệ pháp lý giữa BSC và Oceanbank, BSC có phải là của Oceanbank không? Kết luận 4605 đã đánh đồng BSC và Oceanbank là một. Đây là kết luận đánh đồng về tư cách pháp nhân của BSC. Việc đồng nhất thiệt hại của BSC và OceanBank là không hợp lý. Công ty BSC không hề có mối quan hệ sở hữu tại Oceanbank, BSC chỉ là đơn vị trung gian, việc ký các hợp đồng dịch vụ của BSC là phù hợp với đăng ký doanh nghiệp, chỉ những khách hàng không đủ điều kiện giao dịch với ngân hàng mới thực hiện qua BSC. Trước khi BSC được thành lập, các khách hàng cũng phải thực hiện qua các doanh nghiệp tương tự.

Tại toà đại diện NHNN và giám định NHNN cũng đã né tránh trả lời câu hỏi về hai thiệt hại này là một hay không.

Dẫn chứng thêm, luật sư Thiệp nêu trang 28 kết luận giám định là phi pháp lý. Làm gì có quy định buộc ngân hàng phải cho vay ngoại tệ với giá kịch trần mà không cho điều chỉnh ở mức dưới. Dựa vào đâu việc cho vay mua bán dưới giá trần tối đa là vi phạm? Quyền tự chủ trong hoạt động doanh nghiệp ở đâu chưa kể là quyền tự do thương lượng, vậy tính khách quan của cáo buộc với bị cáo có được đảm bảo không?

Luật sư chỉ ra, thứ nhất, việc mua bán dưới giá trần không hề vi phạm quy định của NHNN thì không thể nói đây là thiệt hại của ngân hàng. Thứ hai, đây là hợp đồng dân sự giữa hai bên, trong khi về phía khách hàng cũng không có ai ý kiến về khoản thu phí.

“Không có khách hàng nào kêu là bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Tôi cho rằng quyền lợi của họ không bị xâm hại, họ không cần nhờ tòa can thiệp bảo vệ quyền lợi của họ chứng tỏ việc tham gia tại BSC là tự nguyện, vậy lí do gì buộc người ta là thiệt hại? Đây là quan điểm áp đặt phi pháp lý”, luật sư dẫn giải.

Trong phiên tòa lần trước có một công ty thủy sản đã phát biểu “Lúc này công ty cần gấp 1 khoản ngoại tệ nhưng không vay đâu được, ngân hàng Đại Dương kịp thời cho vay giúp công ty có lãi. Công ty đồng ý trả phí qua BSC và không có ý kiến gì”. Điều này, chứng tỏ chi phí thêm cho phí dịch vụ thỏa mãn công việc kinh doanh của họ, đây là chi phí cần phải bỏ ra. Vậy tại sao quy kết là thiệt hại, cũng không có cơ sở khách hàng BSC thiệt hại, ông Thiệp nêu câu hỏi.

Theo luật sư, công ty BSC có tư cách pháp nhân độc lập. Hà Văn Thắm là chủ sở hữu thì có quyền sử dụng vốn, nếu có thiệt hại cho BSC thì là thiệt hại cho Hà Văn Thắm.

Ngoài ra, số tiền 69 tỷ quy kết Sơn chiếm đoạt chỉ có hơn 68 tỷ của BSC còn lại hơn 500 triệu là của Thắm như vậy Sơn chiếm 500 triệu của Thắm và số 69 tỷ cũng không chính xác. Đây là số tiền hoạt động kinh doanh của BSC thông qua các hoạt động của BSC, sau đó BSC còn phải trừ các chi phí khác như lương, quản lý điều hành, số tiền còn lại mới thuộc của BSC. Như vậy BSC không đủ 68 tỷ đưa cho Sơn, theo cáo trạng, khi Sơn cần tiền mà BSC chưa có thì sử dụng tiền của Thắm, sau khi BSC có nguồn thu thì hoàn ứng và tuy nhiên phần lớn tiền chi cho Sơn cũng là tiền cá nhân của Thắm, vậy Thắm đồng phạm với Sơn để làm gì, để chiếm đoạt tiền của mình? Điều này không thể xảy ra.

“Tôi cho rằng không đủ căn cứ cơ sở để cáo buộc 2 tội cho Hà Văn Thắm là tội Tham ô và lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản như cáo trạng đã truy tố. Đề nghị HĐXX thận trọng xem xét để có phán quyết chính xác, thấu tình đạt lý, tránh bị oan cho các bị cáo”, luật sư Thiệp đề nghị trước tòa.

Bài viết mới