Áp VAT đối với quyền sử dụng đất là không hợp lý
Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi trong chương trình Hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do VCCI tổ chức sáng nay (14/9) là đề xuất áp VAT đối với quyền sử dụng đất.
Theo đó, Dự thảo Luật đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế GTGT để chuyển sang chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGĐ dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng đây là một nội dung có tác động khá lớn đến toàn xã hội nhưng chưa đảm bảo điều kiện về pháp lý đưa ra.
Vì VAT bản chất là thuế đánh trên giá trị gia tăng thêm của hàng hoá dịch vụ lưu thông tiêu dùng. Khi nhìn nhận như vậy, quyền sử dụng đất theo Luật Thương mại không được xem là hàng hoá thông thường.
Bản chất quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý, tương tự hàng loạt quyền khác như quyền sở hữu trí tuệ, quyền mua bán ngoại tệ… vốn không nằm trong đối tượng chịu thuế GTGT.
Bên cạnh đó, việc áp VAT vào quyền sử dụng đất, theo đại diện đến từ Deloitte sẽ ảnh hưởng đến các mặt khác của kinh tế xã hội.
Bởi lẽ, giao dịch BĐS tạo ra luồng luân chuyển về tài chính tiền tệ, chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng, tiêu dùng đối với hệ thống ngân hàng, tín dụng Việt Nam. Đánh thuế GTGT lên quyền sử dụng đất trên thực tế là đánh thẳng vào người tiêu dùng cuối cùng mà bỏ qua đối tượng kinh doanh BĐS theo dạng thương mại. Điều này ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua khiến thị trường bị chững lại, kéo theo hàng loạt hệ luỵ đối với các ngành liên quan.
Thị trường BĐS gặp nguy
Đồng quan điểm, thậm chí nhấn mạnh, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết đề xuất về thuế của Bộ Tài chính có thể khiến thị trường BĐS gặp nguy. Ông cũng nhận xét lý do đề xuất đưa ra như cải cách thủ tục hành chính và để đánh thuế dễ dàng hơn mà thực hiện điều chỉnh mức thuế này là không thoả đáng.
Ông Hà nói rằng nếu những đề xuất trên được thông qua, giá nhà ở sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi đó, 70% thị trường BĐS là nhà ở, đây cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân.
Một ngôi nhà, trước đề xuất áp VAT sẽ chỉ chịu thuế trước bạ (0,5%) và thuế thu nhập cá nhân (2%), tức chỉ đóng 2,5%. Nếu bị áp VAT lên quyền sử dụng đất, vô hình chung giá sẽ tăng thêm 12% nữa. “Rất cao. Đánh thuế như thế này thị trường BĐS rất nguy hiểm”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà đồng tình với ý kiến của phía Deloitte đưa ra khi nói rằng BĐS có quan hệ lớn đến các thị trường khác như xây dựng, sản xuất vật liệu,… đặc biệt là ngành tín dụng.
Theo ông, mặc dù tổng giá trị vay BĐS thấp, tín dụng BĐS chiếm chỉ từ 10 – 11% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng nhưng khoản vay thế chấp bằng BĐS thì lớn hơn nhiều, khoảng 70%.
Do đó, nếu áp thuế khiến giá nhà tăng tận 12% thì thị trường khó giao dịch được, kéo theo nợ xấu và các vấn đề khác bị tác động.
Vấn đề thứ hai là quy định VAT không được trừ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Ông nói rằng đất đầu vào đang phải nột một khoản tương đối về tiền sử dụng đất mà theo tính toán của Hiệp hội BĐS 1 căn chung cư ở Hà Nội tiền sử dụng đất chiếm từ 20 – 30%, nhà liền kề là từ 50 – 70%.
“Vì vậy, nếu không được khấu trừ, giá nhà sẽ tăng thêm từ 5 -7% tuỳ loại nhà ở”, ông Hà cho biết. “Ngạc nhiên nhà ở là cái cần kéo giá xuống nhất thì lại tăng mạnh nhất so với các cái khác. Thị trường nhà ở càng đen tối hơn”, ông nói thêm.
Theo ông, đấy là những vấn đề rất nghiêm trọng cho thị trường BĐS. Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS kiến nghị cần phải có báo cáo tác động của việc tăng thuế đối với thị trường này. Trước mắt, ông Hà đề nghị không sửa đổi thuế GTGT đối với thị trường BĐS.