Cùng thời gian và cùng số tiền vốn dành để đầu tư đất nền, nhưng một nơi bất ngờ tăng nóng còn một nơi thì giảm tới 50% vẫn không thể thanh khoản.
Câu chuyện bi hài của chị Bích Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Thủy chia sẻ, đầu năm 2022, chị cùng nhóm 3 người bạn thân “nam tiến” vào Bình Phước tìm mua đất nền đầu tư. Thời điểm đó, BĐS tại nhiều địa phương đều lên “cơn sốt” nên sau khi tham khảo thị trường, chị Thủy xuống tiền chốt mua một lô đất phân lô có diện tích 120m2 cách trung tâm thành phố 5km, với giá 1,2 tỷ đồng.
Tháng 3/2024, do gia đình cần tiền, chị đã rao bán lô đất trên nhưng sau cả tháng vẫn không có người liên hệ. Đầu tháng 5 vừa qua, chị Thủy một lần nữa nhờ sàn giao dịch tìm khách mua, song môi giới cho hay thị trường khu vực đó chỉ có thể giao dịch mức giá 600 triệu/lô và hiện rất ít người có nhu cầu mua.
Chị Thủy và nhiều nhà đầu tư khốn khổ vì trót mua đúng đỉnh đất nền tại Lâm Đồng, Bình Phước
“Tôi mua đúng lúc đỉnh, nay cần bán thì giá chỉ còn một nửa giá gốc. Vậy nên tôi đành để đó hy vọng sau này sẽ tăng giá hơn” – chị Thủy cho hay.
Chung cảnh ngộ, chị Tính (TP. HCM) cũng chia sẻ: “Năm 2022 tôi mua một lô đất 1,2 tỷ tại tỉnh Lâm Đồng. Sau 2 năm trả lãi ngân hàng, nay không thể gồng thêm nên đành bán 650 triệu. Nếu cộng cả tiền lãi, sau 2 năm tôi chịu lỗ 800 triệu, lại thêm muộn phiền”.
Nhiều nhà đầu tư khóc ròng vì lô đất đầu tư sau 2 năm lỗ hơn 50%
Trong khi đó, anh Hòa (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, BĐS khu vực nơi anh đang sinh sống – nơi có đường vành đai 4 chạy qua, thì giá đất lại tăng mỗi ngày.
“Mình ở Đan Phượng, khoảng 2 tháng nay chứng kiến thị trường BĐS chỉ thấy tăng và tăng, có những lô giá đất x 2 chỉ sau nửa năm, tính từ trước Tết 2024 đến nay. Hiện, rất khó để tìm những lô đất đẹp với giá 2 tỷ đồng.”, anh Hòa nói.
Tương tự, tại Đông Anh, anh Trịnh Văn Thế (môi giới bất động sản tại huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết, thông tin huyện lên quận, dự án xây dựng hạ tầng là một cú hích lớn khiến giá đất tại huyện Đông Anh khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
Theo anh Thế, phân khúc đất nền tại huyện Đông Anh đã được tìm kiếm, có giao dịch trở lại từ sau Tết Nguyên đán 2024. Sau thời gian dài cắt lỗ, giảm giá, phân khúc đất nền giá từ 2-3 tỉ đồng/lô tại huyện Đông Anh đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cá biệt, tại Hòa Lạc, theo những môi giới nhà đất tại Hòa Lạc, giá đất tái định cư Bắc Phú Cát (Thạch Hòa, Thạch Thất) đã tăng từ 15-20 triệu/m2, nhiều lô giao dịch thành công vượt mức 60 triệu đồng/m2. Đất tái định cư Bình Yên (xã Bình Yên, Thạch Thất) cũng không kém cạnh, tăng từ 10-15 triệu đồng/m2, giao dịch thành công trong khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần tỉnh táo, tránh hình thành những cơn sốt ảo. Bởi, trên thực tế dù bối cảnh chung của thị trường bất động sản vẫn chưa thoát được khó khăn về kinh tế nhưng vẫn có những khu vực đất nền ven Hà Nội đang nóng lên.
Các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những cơn sốt ảo ăn theo quy hoạch
Cảnh báo về sốt ảo tiếp tục được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra, sau khi ghi nhận đất nền tại nhiều khu vực quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang có mức giá tăng đột biến, nhất là những lô đất đã tách thửa.
Theo đơn vị này, so với quý IV/2023, giá đất nền tăng khoảng 5%, riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền khu công nghiệp có mức tăng từ 10-20%.
Đáng chú ý là tại khu vực ngoại thành (cách trung tâm Hà Nội từ 15km trở ra), giao dịch đất nền rất hạn chế. Tuy nhiên có những khu vực vùng ven, phân khúc đất nền lại đang tăng nóng, tăng ảo với nhiều hiện tượng bất thường trong các hình thức giao dịch do môi giới, nhà đầu tư tạo ra.
Theo bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, đất nền rất nhạy cảm với các thông tin của thị trường như các tuyến đường giao thông mới, các dự án bất động sản lớn, quy hoạch các khu công nghiệp mới địa bàn. Khi có những thông tin này xuất hiện, thị trường đất nền ngay lập tức được “thổi giá”. Tuy nhiên, nhiều cơn sốt đất nền chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, từ 1 – 2 tháng, thậm chí chỉ hai tuần.
Từ thực tế đó, bà Trang Bùi lưu ý các nhà đầu tư đất nền cần hết sức cẩn trọng trước rủi ro chôn vốn khi đầu tư vào các sản phẩm trong cơn sốt giá, thiếu các giá trị sử dụng thật. Khác với thời điểm trước, cơn sốt tăng giá đất nền bùng nổ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thời điểm hiện tại, sóng đất nền chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp.
Các địa phương có giá đất nền tăng trong thời gian gần đây chủ yếu là các tỉnh thành có kinh tế phát triển, nhiều khu công nghiệp, thu hút dân số cơ học lớn, giao thông thuận lợi như vùng ven Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên. Còn lại, các khu vực đất nền tại các vùng quê xa xôi hẻo lánh sốt giá những năm 2020 – 2021, hiện vẫn đang nằm im bất động.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
Dù thị trường BĐS chưa thực sự sôi động trở lại, nhưng thời gian gần đây phân khúc đất nền một số khu vực tăng nóng giúp nhiều nhà đầu tư có thể thu lãi tiền tỷ. Tuy nhiên, những người có nhu cầu ở thực cũng thực sự choáng váng với mặt bằng giá mới.
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])